Tập trung nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông thôn

Tập trung nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông thôn
Phát triển nông nghiệp, nông thôn là sự nghiệp lớn của ngành nông nghiệp. Qua thời gian triển khai theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, sản xuất nông nghiệp, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc rõ rệt, đặc biệt, mức thu nhập của người dân nông thôn đã được tăng lên đáng kể.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả ngành nông nghiệp đạt được?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nghị quyết Trung ương 7 khóa X triển khai đi vào cuộc sống được sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó đã tạo ra được một bước ngoặt trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ nhất, về nhận thức, chúng ta nhận thức rất trúng, đúng và mới về vai trò vị thế của người nông dân, vai trò của nông nghiệp và vấn đề xây dựng Nông thôn mới.

Thứ hai, từ nhận thức đúng đó đã chuyển thành sự chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Và, chính sự chỉ đạo tích cực đó đã lan tỏa đến cộng đồng, các thành phần kinh tế - xã hội, tạo ra một nguồn lực chung.

Thứ ba, chúng ta tổng huy động được nguồn lực bằng các cơ chế chính sách và hoàn thiện thể chế trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể như về thể chế, trong 10 năm qua, chúng ta đã hoàn thiện được những Luật cơ bản như: Luật Đất đai 2013, Luật Hợp tác xã 2012; riêng Luật chuyên ngành, 9 Luật hình thành trong giai đoạn này. Và chỉ riêng chương trình Nông thôn mới, chúng ta đầu tư vào khoảng 1,7 triệu tỷ trong vòng 7 năm, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 28%, cho thấy chúng ta đã dồn lực vào khu vực này.

Từ những điều này, chúng ta có kết quả rất rõ, một là sản xuất nông nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển lên một tầm cao mới, thể hiện qua những trụ cột của tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Chúng ta tiếp tục trở thành một trong những quốc gia có sức sản xuất nông nghiệp rất lớn, đáp ứng cho nhu cầu của gần 100 triệu dân, và chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 trên thế giới. Hàng nông sản Việt Nam đã đi được 180 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, trục sản phẩm cấp quốc gia được củng cố theo hướng hiện đại, liên kết rõ hơn; trục sản phẩm cấp tỉnh ngày càng ý thức tổ chức liên kết chặt chẽ, ứng dụng khoa học công nghệ. Ví dụ, sản phẩm vải thiều Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, một loạt các sản phẩm cấp địa phương, tỉnh, thành đều được tổ chức trên một nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức chặt chẽ, gắn từ vùng nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thương mại, và riêng trục mỗi xã một sản phẩm, thì từ thành công của Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã xem đây là một chương trình chung của quốc gia gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Về nông dân, điểm nổi bật, nhận thức của người nông dân chúng ta thay đổi. Rất nhiều mô hình trang trại, nhiều nông dân đã liên kết thành Hợp tác xã mới, liên kết với doanh nghiệp, tiếp thu khoa học kỹ thuật.

Thứ hai, về thu nhập của người nông dân, trong 10 năm tăng 2,5 lần mức thu nhập của người nông dân vùng nông thôn, lúc đó bình quân thu nhập là 9,1 triệu đồng/người thì năm 2017 chúng ta đã đạt 32 triệu, tức là tăng 3,6 lần, vượt mục tiêu đề ra. Nếu năm 2018 ước đạt từ 36-37 triệu đồng thì chúng ta gần đạt 4 lần, đời sống của bà con nông dân được nâng lên.

Về nông thôn, xây dựng Nông thôn mới, mục tiêu chúng ta phấn đấu đến 2020 đạt 50% số xã đạt chuẩn, mục tiêu này chúng ta có khả năng sẽ vượt, dự kiến đến 2019 chúng ta sẽ đạt được mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

PV: Hiện nay, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn nhiều thách thức, xin Bộ trưởng cho biết hướng đi của chúng ta tiếp theo để tiếp tục triển khai hiệu quả lĩnh vực này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cần phải xác định thời gian tới đây, chúng ta vừa có cơ hội vừa có thách thức, cơ hội lớn là những kết quả nền tảng trong giai đoạn vừa qua, đồng thời, hội nhập kinh tế của chúng ta vào đời sống toàn cầu rất tốt, đây cũng là điều kiện quan trọng.

Hiện nay, tiến bộ khoa học công nghệ thời 4.0 đã mở ra một triển vọng cho phát triển kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển trong quá trình công nghiệp hóa kinh tế đất nước. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định trước là cũng nhiều thách thức, mà thách thức nhất là chúng ta phải tổ chức thật nhanh, thật hiệu quả của nền sản xuất nhỏ, quy mô hộ thành liên kết sản xuất lớn, không có yếu tố này không thể thành công được.

Cùng với đó, hội nhập cũng mang lại mặt trái nếu chúng ta không cố gắng thì chúng ta sẽ thua trên sân nhà, mất thị trường ở ngay sân nhà của chúng ta.

Chúng ta cần xác định vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn rất quan trọng trong lộ trình công nghiệp hóa đất nước. Từ đó thống nhất nhận thức, kể cả hệ thống chính trị, đồng thời trong toàn xã hội, tất cả các thành phần kinh tế, xác định vai trò vị thế của người dân phải được tôn vinh, người dân tự tin khi chúng ta tập trung phát triển những nội dung kinh tế của mình.

Đặc biệt, căn cứ hoàn cảnh cụ thể có ưu tiên nguồn lực, vì đây là khu vực yếu thế, dễ tổn thương, nhiều rủi ro. Do đó, trong chừng mực phải ưu tiên nguồn lực. Và nguồn lực này không chỉ là kinh tế mà còn là sự chỉ đạo bằng cơ chế, chính sách để làm sao khuyến khích nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã được ra đời, liên kết chặt chẽ với người dân.

PV: Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp là điều cần thiết, vậy Bộ NN&PTNT có những giải pháp gì để ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong tái cơ cấu nông nghiệp, nếu không có doanh nghiệp làm hạt nhân để cùng tổ chức lại sản xuất thì chúng ta không thể thành công được.

Giai đoạn vừa qua bằng chùm cơ chế chính sách, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, động viên lực lượng chung, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn lớn của Việt Nam đã tập trung, ưu tiên vào khu vực nông nghiệp.

Đây là tín hiệu rất tốt, cùng với tín hiệu này chúng ta hoàn thiện các cơ chế chính sách, một là Nghị định 57 thay Nghị định 210, sắp tới tiếp tục sửa Nghị định 55 về công tác tín dụng, cùng với đó một loạt những nút thắt cần phải tháo gỡ tiếp. Trên cơ sở đó, chúng ta thu hút nhiều doanh nghiệp hơn và ở khu vực này, ưu tiên doanh nghiệp dân tộc để cùng với đặc thù của Việt Nam, đặc thù của vùng miền, liên kết bà con nông dân, Hợp tác xã, phát huy tiềm năng lợi thế của chúng ta để đưa sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta tiếp tục phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Nguồn: dangcongsan.vn