Tập trung vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho tỉnh nghèo
- Thứ sáu - 08/09/2017 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thay vì vay lại ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ từ các nhà tài trợ, thưa bà, địa phương nào cũng muốn được cấp phát nguồn vốn này?
Trong giai đoạn 2004-2015, vốn ODA và vốn vay ưu đãi được ký kết vào khoảng 45 tỷ USD, trong đó, số vốn dành cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương chỉ chiếm 35% (15,51 tỷ USD), số còn lại dành cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Trong số tiền vay ODA và vốn vay ưu đãi dành cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương thì thực hiện cấp phát chiếm tới 92,2% và chỉ có 7,8% số vốn được thực hiện dưới hình thức cho địa phương vay lại.
Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) |
Tỷ trọng cấp phát quá cao, cho vay lại quá thấp trong những năm vừa qua là do nguồn vốn ODA có mức độ ưu đãi rất cao (lãi suất trung bình chỉ vào khoảng 1%/năm, thời hạn vay lên đến 40 năm) do các nhà tài trợ mong muốn giúp Việt Nam xóa đói, giảm nghèo. Khi tiếp cận được nguồn vốn ODA, Chính phủ cấp phát cho các địa phương tập trung vào chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không đem lại nguồn thu trực tiếp, không có nguồn để trả nợ. Hơn nữa, hiện mới có 16 địa phương tự bảo đảm được ngân sách, số còn lại hàng năm vẫn phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, nên nếu giảm cấp phát, tăng cho vay lại thì các tỉnh nghèo rất khó tiếp cận được với nguồn vốn này.
Trên thực tế thì địa phương nào cũng mong muốn được cấp phát thay vì phải vay lại, vì vốn cấp phát không phải trả nợ, nhưng nguồn vốn ODA đang giảm rất mạnh và sẽ sớm chấm dứt trong tương lai không xa, nên phải có sự điều chỉnh trong quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài trên tinh thần giảm cấp phát, tăng cường cho vay lại và tập trung ưu tiên cho tỉnh nghèo.
Tập trung ưu đãi cho tỉnh nghèo theo hướng nào, thưa bà?
Đối với nguồn vốn ODA, địa phương nhận bổ sung từ ngân sách trung ương 70% tổng chi trở lên được vay lại 10% vốn, 90% vốn đầu tư còn lại của dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được cấp phát. Địa phương nhận bổ sung từ 50% đến dưới 70% tổng chi được vay lại 20%, cấp phát 70%. Địa phương nhận bổ sung dưới 50% được vay lại 30%, cấp phát 70%. Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 50%, cấp phát 50%. Riêng Hà Nội và TP.HCM phải vay lại 80%, chỉ cấp phát 20% vốn đầu tư.
Còn đối với vốn vay ưu đãi, các địa phương nhận bổ sung từ ngân sách trung ương từ 70% tổng chi hàng năm trở lên và thuộc danh mục các địa phương có huyện nằm trong danh sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 30%. Các địa phương khác nhận bổ sung từ Trung ương áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 70%. Còn tất cả 16 tỉnh hiện nay có điều tiết về Trung ương phải vay lại 100% nguồn vốn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc nguồn chi của ngân sách địa phương.
Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2020, tỷ lệ vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi thế nào?
Bộ trưởng Bộ Tài chính mới công bố cụ thể tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đối với từng địa phương. Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2020, đối với nguồn vốn ODA có 8 tỉnh chỉ phải vay lại 10% tổng mức đầu tư của dự án do địa phương đầu tư; 20 địa phương phải vay lại 20%; số địa phương phải vay lại 30% là 19 tỉnh; 14/16 địa phương có điều tiết về Trung ương phải vay lại 50%, riêng Hà Nội và TP.HCM phải vay lại tới 80% nguồn vốn ODA để đầu tư cho các công trình, dự án thuộc trách nhiệm đầu tư của ngân sách địa phương.
Còn đối với nguồn vốn vay ưu đãi, trong giai đoạn 2017 - 2020 có 6 địa phương chỉ phải vay lại 30% vốn đầu tư còn lại cho dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của địa phương được cấp phát; 41 địa phương phải vay lại 70% và 16 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương phải vay lại 100%.
Đi vay bao giờ cũng dễ hơn đi xin. Với tỷ lệ cấp phát/vay lại như trên, thưa bà, rõ ràng là địa phương “có điều kiện” dễ tiếp cận với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi hơn những địa phương “hoàn cảnh”?
Kể từ năm 2017, theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì ngân sách cấp tỉnh được phép bội chi để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác để bù đắp bội chi, nhưng không phải muốn vay bao nhiêu thì vay mà đều có giới hạn. Cụ thể, địa phương nào có số thu lớn hơn chi thường xuyên thì tổng dư nợ, trong đó bao gồm cả nguồn vay lại ODA, vốn vay ưu đãi không được vượt quá 30% số thu ngân sách; tổng dư nợ của các địa phương còn lại không vượt quá 20% số thu ngân sách. Ngay cả các địa phương được hưởng cơ chế tài chính đặc thù cũng bị khống chế dư nợ như Hà Nội và TP.HCM, tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách; Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ không được quá 40% số thu ngân sách.
Ngoài ra, Chính phủ còn khống chế nghĩa vụ trả nợ hàng năm của UBND cấp tỉnh đối với các khoản vay lại vốn ODA, vay ưu đãi không vượt quá 10% nguồn thu ngân sách địa phương tại thời điểm xem xét khoản vay lại, để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương.
Trong trường hợp địa phương không trả được nợ thì sao, thưa bà?
Đến hạn chưa trả được nợ sẽ bị phạt chậm trả với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay lại hoặc bằng mức lãi suất chậm trả quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài. Nếu địa phương để dự án nào đó quá hạn trên 180 ngày thì các dự án khác không được vay lại nguồn ODA và vốn vay ưu đãi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các dự án khác cũng không được cấp phát vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Muốn được vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, không có cách nào khác ngoài việc UBND cấp tỉnh phải bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ từ các khoản vay lại.
http://baodautu.vn/