Tây Đô Lời giải cho bài toán môi trường nông thôn
- Thứ năm - 21/03/2013 05:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trao xô nhựa và quây tre cho các chị tham gia mô hình “Phân loại và xử lý rác tại nguồn” xã Tây Đô. |
Tây Đô là xã có quỹ đất rộng nhưng chưa quy hoạch được bãi rác tập trung, trong khi lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh, cả xã mới chỉ có 2/8 thôn thành lập và duy trì được tổ thu gom rác thải, do vậy mỗi hộ phải tự xử lý rác thải của gia đình mình, đó là nguyên nhân hầu hết rác thải ra ngoài môi trường đều chưa qua xử lý…
Chị Trần Thị Đà, thôn Khánh Lai kể: trước đây, theo thói quen, gia đình chị thường cho gà, lợn ăn các loại rau, củ thừa, còn các loại rác khác gồm cả túi ni lông, những ngày nắng thường đem phơi rồi đốt. Cũng có gia đình ném xuống ao, vứt ra vệ đường. Nhà nọ thấy nhà kia đổ được thì cũng làm theo khiến những bãi rác nhỏ hình thành rải rác khắp thôn, xóm, đọng mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, là điều kiện để dịch bệnh phát triển.
Xác định công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn là nhiệm vụ cấp thiết, là tiêu chí để phấn đấu xây dựng nông thôn mới, ngay từ năm 2010, Hội Phụ nữ Tây Đô được các cấp hội chọn làm điểm mô hình “Phân loại và xử lý rác tại nguồn”, với 50 hộ thành viên. Ban đầu mỗi hộ được hỗ trợ một quây tre chôn rác, 1 thùng nhựa đựng rác vô cơ có nắp đậy. Bên cạnh việc phối hợp mở lớp truyền thông kiến thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn quy trình đào hố chôn rác và phân loại rác hữu cơ, vô cơ (đào hố trong vườn nhà rộng khoảng 60 cm, sâu 80 cm, đặt quây tre xuống, đổ rác hữu cơ vào, đậy nắp lại, rác tự phân hủy, khi nào đầy lấp đất lên rồi trồng cây trên đó, còn rác vô cơ bỏ vào thùng nhựa, đem đốt hoặc đem ra bãi rác tập trung) cho cán bộ, hội viên, đặc biệt 50 hộ thành viên. Hội Phụ nữ xã còn tiến hành kiểm tra từng hộ, khuyến khích các gia đình khác đến các hộ thành viên tham quan, học hỏi và áp dụng. Cuối năm 2011, mô hình có thêm 100 thành viên mới. Các hộ được tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn cách phân loại và xử lý rác, mỗi hộ cũng được phát một quây tre chôn rác và một xô nhựa có nắp đậy.
Tôi đã có lần được về dự một buổi tập huấn hướng dẫn cách phân loại và xử lý rác thải tại gia đình với các bà, các mẹ xã Tây Đô, tận mắt chứng kiến sự hào hứng, sôi nổi, chú ý lắng nghe, cách đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi thể hiện sự hiểu biết, trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường nông thôn của chị em. Đến tham quan gia đình một số chị, tôi mừng thay cho cấp ủy, chính quyền và môi trường nơi đây. Chị Đinh Thị Yến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phấn khởi cho chúng tôi hay: ban đầu chỉ có 50 hộ tham gia, qua 3 năm triển khai, nhận thấy hiệu quả tích cực do mô hình mang lại, 200 hộ khác cũng tham gia. 100% hộ đã tự đào hố, dùng quây tre có lắp đậy đặt xuống để chôn rác tại vườn nhà. 98% hộ từng tham gia các buổi tập huấn đã vận động, hướng dẫn chồng, con cùng phân loại, xử lý rác thải tại nhà, dần hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh. Nhiều hộ tận dụng những mảnh cót, hoặc tự đan quây tre, đào hố chôn rác tại vườn nhà, 2 - 3 tháng hố đầy thì lấp đất lên trên, tận dụng trồng sắn, bầu, bí, chuối, gừng… Liên tục luân chuyển như vậy trong diện tích vườn nhà, với chi phí chỉ khoảng vài chục ngàn đồng, vừa cải thiện được môi trường, vừa trồng được rau, củ, quả sạch.
Chị còn cho biết thêm: không chỉ các chị em là thành viên được chọn tham gia mô hình mà nhiều cụ già, em nhỏ, nam giới, các gia đình khác cũng đã và đang hình thành thói quen phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Gia đình chị Bùi Thị Quy, thôn Quang Trung, mới tham gia mô hình năm 2011, nhưng đến nay chị đã đào thêm được 3 hố rác khác, các hố đầy chị tận dụng trồng sắn dây, khi thu hoạch, sắn sai củ, củ to, nhiều bột hơn trồng trực tiếp trên đất vườn, bán được giá cao.
Chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Nội Thôn, chị Trần Thị Đà, thôn Khánh Lai mặc dù vườn nhà không rộng nhưng vẫn dành một góc để đào hố chôn rác, rác đầy trồng gừng lên trên và đào hố khác, các chị đã từ bỏ hẳn thói quen vứt rác bừa bãi trước đây, còn tích cực vận động chồng, con, người thân hình thành thói quen phân loại, xử lý rác thải trong gia đình, nơi công cộng. Cả 3 chị đều cho rằng: nếu gia đình nào cũng tự giác áp dụng mô hình này thì Tây Đô không còn phải lo vấn đề rác thải sinh hoạt nữa.
Không chỉ tập trung thực hiện tốt mô hình “Phân loại và xử lý rác tại nguồn”, Hội Phụ nữ xã còn vận động cán bộ, hội viên tham gia tổng vệ sinh môi trường vào ngày 24 hàng tháng, phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy và nhặt vỏ bao thuốc trừ sâu, diệt chuột, bắt ốc bươu vàng trên đồng ruộng để gây quỹ Hội. Duy trì hoạt động của các tổ thu gom rác do phụ nữ đảm nhận. Lồng gắn thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới. Hiện, toàn xã có 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Chị Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội LHPN Hưng Hà khẳng định: Ở nông thôn, hầu hết các gia đình đều có vườn, mỗi hố rác chỉ chiếm 60 cm nên các chị đã triển khai mô hình này cả ở xã Liên Hiệp, hiệu quả thu được cũng rất khả quan, thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng ra nhiều xã khác để góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải tại nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Thu Hiền
(Tác phẩm dự thi về đề tài nông thôn mới)
Nguồn:baothaibinh.com.vn