Tây Giang lập kỳ tích nhờ sức mạnh lòng dân
- Thứ bảy - 12/11/2016 11:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giao thông thuận lợi, bộ mặt hàng xã ở Tây Giang ngày một khởi sắc |
Ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, khi bắt tay vào thực hiện, Ban chỉ đạo huyện xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch để sắp xếp bố trí lại dân cư và phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống và giảm nghèo cho bà con nhân dân.
Trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, Tây Giang đã tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về đường - trường - trạm… Đặc biệt, khi T.Ư cũng như tỉnh Quảng Nam phát động Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Tây Giang như được tiếp thêm sức mạnh, chính quyền các cấp từ huyện đến xã, thôn đã nhanh chóng triển khai có hiệu chương trình.
Theo ông Linh, để mở đường thoát nghèo cho bà con khu vực vùng núi, vùng biên giới, chủ trương của Tây Giang là tập trung quy hoạch và bố trí lại dân cư tập trung, đồng thời đầu tư hạ tầng thiết yếu, trong đó giao thông nông thôn (GTNT), các công trình phục vụ dân sinh như trường học, y tế, điện… được ưu tiên hàng đầu. Từ nguồn vốn của Chương trình NTM và lồng ghép các nguồn vốn khác, các nguồn vốn Chương trình 135, mỗi năm huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, nhiều tuyến đường GTNT, công trình, dự án tại các địa phương được đầu tư đồng bộ. Có đường giao thông đi lại thuận lợi, điện thắp sáng, trường học tốt, trạm y tế đạt chuẩn... bà con rất phấn khởi, đời sống từ đó cũng được nâng lên, diện mạo vùng nông thôn, vùng biên giới ở Tây Giang đã khởi sắc hẳn lên.
Ông Nguyễn Văn Phú – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tây Giang cho hay, dù là huyện nghèo, còn nhiều khó khăn, song nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân, việc triển khai xây dựng NTM ở huyện Tây Giang đã đạt được “kỳ tích” mới. Đến nay huyện đã có 2 xã về đích (xã Anông năm 2014 và xã Lăng năm 2015) và phấn đấu cuối năm nay sẽ đưa thêm xã Atiêng đạt chuẩn NTM.
Theo ông Linh, ngoài việc tập trung xây dựng hạ tầng, việc chú trọng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi để tăng thu nhập và giảm nghèo cho bà con nhân dân cũng được huyện chú trọng. Vì thế, trong giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020, huyện ủy đã ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế và đề án phát triển trông cây bản địa (ba kích, đẳng sâm, tr’đin) trên địa bàn. Trong đó đã phân thành 3 vùng phát triển các cây con riêng biệt để tạo điểm nhấn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.