Tây Nguyên có hơn 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Tây Nguyên có hơn 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có hơn 100 xã và một huyện đạt chuẩn nông thôn mới, riêng tỉnh Lâm Đồng có 45 xã và huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới.

Người dân huyện Krông Pác (Đác Lắc) tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: BAODAKLAK

Trong giai đoạn 2011 - 2016, các tỉnh Tây Nguyên đã huy động được hơn 90 nghìn tỷ đồng để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn của Trung ương hơn 2.295 tỷ đồng, số vốn còn lại huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, vốn tín dụng và đóng góp của nhân dân.

Các tỉnh đã bố trí nguồn vốn hợp lý, tăng cường nguồn lực giúp các xã gần đạt tiêu chí sớm về đích, các xã nghèo rút ngắn khoảng cách chênh lệch về cơ sở hạ tầng với các xã khác. Qua chương trình xây dựng nông thôn mới, có 1.044 mô hình sản xuất hiệu quả được xây dựng, trong đó có những mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, cơ sở hạ tầng, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa đồng đều, chưa đi vào chiều sâu. Các văn bản hướng dẫn thực hiện và bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện đất rộng, người thưa của các tỉnh Tây Nguyên.

* Tuyên Quang bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

Tỉnh Tuyên Quang vừa phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, tất cả các thôn, bản có hơn 50% số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành lập câu lạc bộ bảo tồn tiếng nói, chữ viết và trang phục dân tộc; câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ của dân tộc mình.

Kiểm kê, đánh giá toàn diện 40 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, lập tám hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia. Khảo sát, lựa chọn ba làng còn giữ được phần lớn kiến trúc nhà truyền thống, có cảnh quan môi trường đẹp, điều kiện về giao thông thuận lợi, nằm ở các địa bàn có lợi thế phát triển du lịch để đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng. Mỗi huyện, thành phố hỗ trợ phát triển ít nhất một nghề truyền thống hoặc hỗ trợ, bảo tồn và phát triển một số loại hình dân ca, nhạc cụ, trang phục truyền thống, lễ hội và trò chơi dân gian, ẩm thực dân tộc.

Bảo tồn văn hóa ẩm thực các dân tộc gắn với các sự kiện văn hóa của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Xuất bản sách, ảnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Đề án đề ra các nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể, giải pháp và nguồn vốn thực hiện. Trong đó, nguồn vốn thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đối với vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để triển khai.

Theo: PV và TTXVN/nhandan.com.vn