Tây Ninh phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao

Nhằm thúc đẩy các HTX, Tổ hợp tác (THT) ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh sẽ lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các HTX thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ).

Tính đến hết quý II/2018, toàn tỉnh Tây Ninh có 109 HTX, với 33.325 thành viên, tổng vốn điều lệ đạt 218,9 tỷ đồng, trong đó có 99 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, chiếm 90,8%. Toàn tỉnh cũng đang có 108 THT, với 2.000 thành viên.

Nhân rộng HTX điển hình

Không có một số lượng quá lớn, tuy nhiên, chất lượng của các HTX, THT tỉnh Tây Ninh khá ổn định. Nhờ được đầu tư bài bản, số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Điển hình như HTX RAT Long Mỹ (huyện Hòa Thành) thực hiện 2 mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất, gồm hệ thống nhà màng trồng dưa lưới với diện tích 600 m2 và hệ thống vườn ươm cây giống với diện tích nhà lưới 500 m2. Hai mô hình có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 30%, còn lại là nguồn vốn đối ứng của HTX.

HTX Lộc Khê (huyện Trảng Bàng) hiện có 43 thành viên, hoạt động sản xuất rau chất lượng cao trên tổng diện tích hơn 10 ha. Năm 2015, HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện, HTX đã ký hợp đồng liên kết với các DN tại Tp.HCM để đưa các sản phẩm vào siêu thị với số lượng bình quân khoảng 1,2 tấn/ngày.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy các HTX ứng dụng CNC trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT Tây Ninh sẽ lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các HTX, trong đó, bố trí vốn hỗ trợ các HTX thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng KH&CN mới.

nguon-nhan-luc-cho-htx-JPG-9959-15355848

Tây Ninh đang đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho HTX

Nâng chất nguồn nhân lực

Đã có nhiều động lực để phát triển, tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất của các HTX, THT tại Tây Ninh là chất lượng nguồn nhân lực. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại, các HTX đang nhận được nhiều sự hỗ trợ để thu hút nguồn lao động trẻ trình độ cao.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc HTX RAT Long Mỹ, chia sẻ: “Cùng với quá trình hiện đại hóa, HTX chủ động đưa con em của thành viên HTX đi đào tạo nâng cao trình độ, bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, HTX cũng cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ để thu hút nguồn lao động trẻ”.

“Không chỉ về kinh tế, các điều kiện về ATLĐ cũng là yếu tố quyết định để thu hút được nguồn lao động trẻ. Nhờ bảo đảm tốt các điều kiện về thu nhập và an toàn, HTX đang có một đội ngũ cán bộ nguồn năng động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu làm việc ở trình độ cao”, Giám đốc Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hỗ trợ 40 sinh viên tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành theo nhu cầu của HTX, trong thời hạn 5 năm làm việc tại các HTX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đảm trách các chức danh quản lý điều hành và chuyên môn kỹ thuật.

Để nâng cao trình độ nhân lực HTX, hằng năm, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đều bố trí thêm kinh phí để tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý HTX. Trung bình mỗi năm có 11 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ HTX; 10 - 15 cán bộ quản lý, thành viên làm công việc chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ HTX được hỗ trợ đào tạo dài hạn.

Hưng Nguyên/thoibaokinhdoanh.vn/