Tây Ninh sẽ xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc

Tây Ninh sẽ xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc
Nói đến Tây Ninh, người ta nghĩ đến “3 cây 1 con” là mía, mì, cao su và bò. Trong đó, đàn bò với số lượng trên 90 ngàn con đứng đầu vùng Đông Nam bộ. Gần đây, địa phương này còn được biết đến một “đặc sản” mới là bò sữa với mục tiêu chế biến sữa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Đi tiên phong

Tại Tây Ninh đang hiện diện trang trại bò sữa “khủng” của Cty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (Vinamilk) đóng ở xã Long Khánh, huyện Bến Cầu với diện tích 685ha, tổng kinh phí đầu tư 1.200 tỷ đồng với tên gọi “Resort Bò sữa”.

h2115434944
Trại bò sữa Tây Ninh ở vùng giáp biên giới còn có tên gọi “Resort Bò sữa”.

Theo ông Trịnh Quốc Dũng, giám đốc công ty Vinamilk, trang trại này có 7.200 con bò sữa, trong đó bò vắt sữa 3.200 con. Năng suất sữa bình quân đạt trên 28 kg/con/ngày, sản lượng sữa tươi đạt 90 tấn/ngày và khoảng 30 ngàn tấn/năm. Quá trình chăm sóc nuôi dưỡng đều theo quy trình tiên tiến, công nghệ của Irsael, Mỹ, Nhật và áp dụng công nghệ 4.0 tự động hóa thông qua các phần mềm quản lý hiện đại nhất thế giới nhằm đảm bảo đàn bò có sức khỏe tốt, năng suất sữa không chỉ cao mà còn đạt chất lượng hàng đầu.

Đặc biệt, đây cũng là trang trại bò sữa nằm trong chương trình xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới.

Theo đó, cuối tháng 4/2019, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết một Nghị định thư: “Các yêu cầu về thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”, Vinamilk là một trong 5 doanh nghiệp được chọn xuất khẩu sữa sang nước bạn.

Theo TS Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, muốn xuất khẩu sữa sang Trung Quốc theo tiêu chí ký kết thì các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chịu sự giám sát một số bệnh mà cần phải xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh (ATDB) không có LMLM, Lao bò và Nhiệt thán. Nói cách khác, đó là xây dựng chuỗi sản xuất sữa ATDB, ATTP không có chất tồn dư độc hại.

Đây chính là lý do mà ngày 14/8 vừa qua, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa ATDB giai đoạn 2019 - 2022 giữa Cục Thú y, Vinamilk và ngành nông nghiệp Tây Ninh với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. 

14-32-38_1
Ngành nông nghiệp Tây Ninh ký kết Đề án “Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh giai đoạn 2019-2022” với Cục Thú y và Vinamilk.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc điều hành khối nghiên cứu Vinamilk, đây là đề án của Vinamilk phối hợp với Cục Thú y xây dựng và tiến tới hình thành vùng chăn nuôi ATDB trong cả nước và Tây Ninh là địa phương đầu tiên triển khai đề án này.

“Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu ATDB theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời xác định việc xây dựng vùng đệm ATDB nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm các loại mầm bệnh từ bên ngoài vào trang trại là rất quan trọng”, ông Khánh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có hơn 13.300 con bò sữa, tập trung 2 huyện Trảng Bàng và Bến Cầu, trong đó ngoài trang trại bò sữa Vinamilk tại xã Long Khánh, còn có các hộ chăn nuôi và trang trại tại Trảng Bàng với khoảng 5.300 con. Sản lượng sữa hàng năm đạt trên 29.000 tấn.

“Khi đề án này thực hiện là điều kiện cần thiết tạo ra một vành đai an toàn, xây dựng thành công vùng chăn nuôi bò sữa ATDB, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm sữa an toàn không chỉ trong nội địa mà cả xuất khẩu”, ông Chiến nói.  

Xây dựng có dễ?

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Tây Ninh, thực tế việc xây dựng vùng ATDB cũng không dễ dàng, bởi chi phí lớn bao gồm tiêm phòng, xét nghiệm, giám sát, đánh giá và hoàn thiện các thủ tục để được công nhận vùng ATDB. Trong đó, chưa kể thuốc sát trùng thì mỗi năm cần có 100.000 liều vacxin tiêm phòng bệnh LMLM trên trâu bò với chi phí ước tính 1,3 tỷ đồng.

“Bên cạnh đó, địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi trâu bò nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, đồng thời tình trạng nhập lậu qua biên giới Campuchia do thương lái thực hiện vẫn còn nên sự lưu hành virus LMLM cao, đó là những rào cản nhất định. Vì vậy, ngành chức năng trung ương và địa phương xác định trước mắt xây dựng xã Long Khánh là vùng đệm ATDB, sau đó tiến tới toàn huyện Bến Cầu”, ông Phúc cho biết.

14-32-38_2
Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh bắt đầu từ hộ chăn nuôi gia đình.

Chúng tôi tìm đến xã Long Khánh để tìm hiểu thêm. Ông Nguyễn Minh Hoang, Trưởng ban cán bộ chăn nuôi - thú y xã không biết “hóng” tin ở đâu mà hồ hởi nói: xã Long Khánh là nơi đầu tiên của cả nước được xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa ATDB. Mặc dù chỉ có duy nhất 1 hộ nuôi bò sữa nhưng bà con rất phấn khởi, bởi xây dựng vùng ATDB như vậy thì địa phương cũng có lợi là bảo vệ luôn số lượng đàn trâu bò trên 1.200 con, kể cả gia súc gia cầm.

Theo ông Hoang, lâu nay công tác tiêm phòng bệnh LMLM và tụ huyết trùng trên trâu, bò ở xã mỗi năm gồm 2 đợt và phải đạt 80% tổng đàn trở lên. Sau mỗi đợt tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi - Thú y cử cán bộ xuống kết hợp với cán bộ thú y xã tổ chức lấy huyết thanh khoảng 10 mẫu/xã nhằm giám sát mức độ miễn dịch (kháng thể).

“Nếu xây dựng vùng ATDB thì quy trình tiêm phòng và giám sát huyết thanh cần phải làm chặt chẽ và bài bản hơn trước. Ngoài ra chức danh “Trưởng ban cán bộ thú y xã” của tui nói cho oai, chứ thật ra lâu nay không có lương, không có tiền trách nhiệm, mỗi tháng chỉ hưởng phụ cấp 1.449.250 đồng từ Trạm Thú y huyện chuyển khoản cho. Vì vậy, khi đã xác định là vùng ATDB thì chi phí phụ cấp, tiền công cho cán bộ thú y cơ sở cũng phải tính toán sao cho phù hợp...”, ông Hoang đề nghị.

h1-1115201158
Đàn bò sữa tại Trang trại Tây Ninh (Long Khánh, Bến Cầu) được kiểm tra “sức khỏe” và hoạt động qua chip điện tử.

Ông Nguyễn Trí Nhớ, Chủ tịch UBND xã cho biết, Long Khánh là xã biên giới, giáp ranh với 3 xã là Monourom (còn gọi No Rum); Chrak Mtes và Prey Ta Ei thuộc huyện Svay Theab, tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Khu vực trại bò sữa trước đây vốn là đất trảng quang gắn với rừng già, từng là cái nôi cách mạng và hiện đang có bia tưởng niệm của công an tỉnh xây dựng nằm sát bên.

- Chính quyền địa phương sẽ có kế hoạch gì khi được chọn là vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh? - PV hỏi.

“Trước mắt, chúng tôi tiếp tục vận động bà con thực hiện mô hình theo tiêu chí 13 gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, đó là trồng bắp lấy thân giao cho trại bò sữa, sau đó từng bước đưa bò sữa ra cho nông dân. Tuy nhiên, hiện đang gặp khó khăn, bởi vì chương trình chăn nuôi bò sữa không phải để xóa đói giảm nghèo mà đòi hỏi các hộ dân phải có vốn liếng và kỹ thuật, chỉ riêng giá một con bò sữa giống 10 - 11 tháng tuổi mà trại bò Vinamilk bán ra đã là 38,5 triệu đồng…”, ông Nhớ nói.

"Với lợi thế được xác định là vùng ATDB, ngoài việc sắp tới đẩy mạnh ngành chăn nuôi đại gia súc, chúng tôi sẽ tập trung cho quy trình tiêm phòng và kiểm soát giết mổ chặt chẽ hơn, nhất là ở các vùng giáp ranh biên giới do bà con chăn nuôi trâu bò thường dẫn qua lại chăn thả hoặc mua bán nên sợ nhất là dịch bệnh LMLM từ phía Campuchia. Ban chăn nuôi – thú y của xã cũng được thành lập gồm 4 người với 1 trưởng ban, họ không ăn lương mà làm nhiệm vụ chính trị là chính".

(Ông Nguyễn Trí Nhớ - Chủ tịch UBND xã Long Khánh)

"Chúng tôi hiện có 253 trang trại chăn nuôi tập trung, tất cả đều được cấp giấy chứng nhận ATDB, VietGAP. Cơ quan thú y thường xuyên giám sát, hậu kiểm, lấy mẫu xét nghiệm dịch tễ để tầm soát dịch bệnh, cấp giấy kiểm dịch khi xuất chuồng, đưa vào các cơ sở giết mổ".

(Ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh)

Theo Đỗ Quyên - Nguyễn Thủy/nongnghiep.vn