Thạch Thất: Phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2019

Đến nay huyện Thạch Thất đã có 21/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ đạt chuẩn huyện NTM.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: Thiện Tâm

Ngày 9/8, huyện Thạch Thất tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2010-2019.

Cụ thể, về phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện Thạch Thất đã chủ động xây dựng và triển khai đề án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Đồng thời đã lựa chọn khâu giống làm đột phá với phương châm đi tắt đón đầu đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và bố trí gần 10 tỷ đồng hỗ trợ các xã đưa nhanh cơ giới hóa nông nghiệp vào trong sản xuất. Chính vì vậy đã nâng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp từ 37% năm 2010 lên trên 98% diện tích năm 2018.

Năm 2010, giá trị ngành sản xuất nông nghiệp đạt 359,5 tỷ đồng tăng lên 1.613 tỷ đồng năm 2018. Đồng thời đã hình thành các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung cho hiệu quả kinh tế cao, toàn huyện có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 6 mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất.

Chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung xa khu dân cư với quy mô vừa và nhỏ đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tổng giá trị ngành chăn nuôi năm 2010 đạt 176,2 tỷ đồng, đến hết năm 2018 đạt 766,6 tỷ đồng. Huyện có 520 ha nuôi trồng thủy sản, năm 2018 giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 53,0 tỷ đồng, tăng 41,2 tỷ đồng so với năm 2010.

Trong xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã có 21/21 xã đạt chuẩn NTM, riêng xã Thạch Hòa xây dựng NTM theo hướng quy hoạch đô thị Hòa Lạc và thị trấn Liên Quan phát triển theo hướng đô thị trung tâm. Đồng thời đã hoàn thành 7/9 tiêu chí (Quy hoạch, Giao thông, Thủy lợi, Điện, Sản xuất, An ninh trật tự xã hội và tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới). Còn 2 tiêu chí về Y tế, văn hóa, giáo dục và Môi trường là cơ bản đạt.

 

Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2018 là 58 triệu đồng/người/năm, tăng 44,9 triệu đồng so với năm 2010 (đạt 13,1 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2018 là 1,97% (năm 2010 là 7,58%);

Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa luôn được quan tâm, đến năm 2018 tỷ lệ làng, thôn được công nhân và giữ vững danh hiệu văn hóa đạt 78%...

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng sản xuất nông nghiệp của Thạch Thất vẫn chưa thực sự phát triển mạnh theo hướng hàng hóa. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết còn chưa được nhiều. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm, chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, việc đăng ký chất lượng sản phẩm còn hạn chế.

Một số tiêu chí xây dựng NTM đạt nhưng chất lượng còn hạn chế, thiếu bền vững như: Tiêu chí về văn hoá, Thu nhập bình quân/người, Tỷ lệ hộ nghèo, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vì vậy, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chương trình 02 của Thành ủy từ nay đến cuối năm 2019 cũng như đến năm 2020. Với quyết tâm chính trị của huyện Thạch Thất hoàn thành NTM vào năm 2019, phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu trong thời gian tới, huyện Thạch Thất cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia xây dựng, duy trì đạt chuẩn NTM gắn với tiếp tục duy trì, thực hiện thường xuyên năm trật tự và văn minh đô thị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào các vùng sản xuất tập trung.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ sạch có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Tăng cường xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tập trung hoàn thiện 2 tiêu chí về (Y tế, văn hóa, giáo dục và Môi trường huyện nông thôn mới) để phấn đấu cuối quý III năm 2019 hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đến hết 2020, có ít nhất từ 3 - 5 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình OCOP của huyện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương và phát triển du lịch, dịch vụ ở nông thôn. Tập trung chỉ đạo, hoàn thiện, đánh giá và xếp hạng ít nhất 115 sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020.

Huyện cũng tiếp tục chăm lo phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm chăm lo sức khỏe nhân dân.

Nhân dịp này, huyện Thạch Thất đã trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn