Thạch Thất - tạo động lực cho sản xuất từ xây dựng nông thôn mới

Thạch Thất - tạo động lực cho sản xuất từ xây dựng nông thôn mới
Từ một huyện thuần nông, còn nhiều khó khăn, đến nay, huyện Thạch Thất đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân được nâng cao. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Chu Đại Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, quan điểm xây dựng NTM của Thạch Thất là để cải thiện đời sống cho người dân, chứ không phải chạy theo số lượng, thành tích.
 
Nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi sản xuất
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN), nhất là có nhiều làng nghề nổi tiếng, huyện Thạch Thất đã có giải pháp gì để thúc đẩy sản xuất lĩnh vực này trong năm 2014, thưa ông?
- Đây là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, do vậy đây cũng là năm nước rút để thực hiện các mục tiêu đề ra. Ngay từ đầu năm, huyện đã thực hiện rà soát các tiêu chí, nhiệm vụ để đưa ra các giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu. Trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa hết khó khăn, thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND TP, huyện đã có chủ trương tạo điều kiện về nguồn vốn, miễn giảm, giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề, tiếp cận vốn theo chính sách của Chính phủ, TP. Đáng lưu ý, năm 2013, dù kinh tế còn khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp - TTCN năm 2013 trên địa bàn huyện phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN - xây dựng cơ bản tăng 11,2% so với năm 2012.
Ngoài công nghiệp, TTCN, một bộ phận lớn dân cư trên địa bàn huyện vẫn có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Xin ông cho biết, định hướng phát triển nông nghiệp của huyện như thế nào?
- Về sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp, tập trung vào một số mũi nhọn, trước hết là công nghệ giống. Đến nay, huyện Thạch Thất đã chuyển đổi căn bản bộ giống lúa cũ sang các giống mới, chất lượng cao. Cơ cấu giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao của huyện hiện chiếm 94,6%. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, huyện triển khai mô hình mạ khay, cấy máy tại tất cả 23 xã, thị trấn với diện tích mỗi địa phương 2 - 3ha, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân.
 
Trồng thanh long ruột đỏ xã Kim Quan, huyện Thạch Thất.
Trồng thanh long ruột đỏ xã Kim Quan, huyện Thạch Thất.
Thời gian qua, Thạch Thất cũng tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, sản xuất theo hướng thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi lợn rừng ở xã Yên Bình với quy mô trên 10.000 con/năm, cho doanh thu 15 tỷ đồng/năm. Hay mô hình trồng hoa lan, ly cũng phát triển ở một số địa phương, trong đó trồng hoa ly cho thu nhập từ 2 - 2,7 tỷ đồng/ha/vụ... Nhờ chuyển đổi sản xuất, hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã đạt 22 triệu đồng/người/năm.
Phấn đấu về đích sớm
Chương trình xây dựng NTM đang được triển khai sôi nổi ở tất cả các huyện, thị xã. Vậy, đến nay, kết quả đạt được của chương trình này tại Thạch Thất ra sao, thưa ông?
- Huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ xây dựng NTM tại cả 22 xã. Vừa qua, sau khi Tổ công tác giúp việc của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM TP về chấm điểm, huyện Thạch Thất có 6 xã đạt đủ điều kiện công nhận xã NTM với số điểm từ 95 - 96,5, gồm xã điểm Đại Đồng và các xã Hương Ngải, Phùng Xá, Hạ Bằng, Bình Yên, Dị Nậu. Thạch Thất đề ra mục tiêu về đích trước so kế hoạch chung của TP từ 1 - 2 năm. Tuy nhiên, quan điểm của huyện là không chạy theo số lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2014, huyện phấn đấu có thêm 4 xã hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có 1 xã miền núi là Tiến Xuân.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại địa phương và những khó khăn hiện nay còn mắc phải trong quá trình thực hiện xây dựng NTM?
- Để đạt được kết quả đó, huyện đã chỉ đạo các xã bám sát bộ tiêu chí NTM, thường xuyên giao ban tiến độ, cân đối nguồn lực địa phương để có giải pháp thực hiện từng tiêu chí. Trong đó, huyện triển khai phát động và thực hiện tốt phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng NTM". Nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, ủng hộ tiền, cùng với đó, còn huy động nguồn lực từ doanh nghiệp cho chương trình xây dựng NTM.
Tuy nhiên, hiện nay, để đáp ứng tiêu chí rất cao của từng ngành, lĩnh vực trong Bộ 19 tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, nhiều xã còn đang gặp khó khăn về nguồn lực. Ví dụ, theo tiêu chí giáo dục, yêu cầu các trường phải đáp ứng chuẩn 2 nhưng cân đối trong tổng thể nguồn lực thì nhiều xã rất khó đầu tư, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế, ngân sách quốc gia, ngân sách địa phương cũng khó khăn. Trong khi đó, nguồn thu được từ đấu giá đất cũng còn hạn chế. Để từng bước tháo gỡ vấn đề này, huyện đang tập trung triển khai đấu giá đất xen kẹt ở những nơi có sẵn hạ tầng và tìm mọi giải pháp khai thác nguồn lực xây dựng NTM.
Một trong những vấn đề quan trọng khi triển khai xây dựng NTM cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa là dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Huyện đã triển khai công tác này tại địa phương như thế nào, thưa ông?
- DĐĐT thực sự là việc khó, tác động và ảnh hướng đến quyền lợi của nhiều đối tượng. Với Thạch Thất, do địa hình không bằng phẳng nên huyện đưa ra 3 loại hình áp dụng cho từng xã, thôn. Loại hình 1 (loại hình mong muốn nhất) là quy hoạch lại đồng ruộng, phóng tuyến giao thông, thủy lợi nội đồng và sau DĐĐT mỗi hộ chỉ còn lại 1 thửa. Loại hình thứ 2 áp dụng cho vùng bán sơn địa, đồi gò là các hộ gia đình dồn, đổi vị trí ruộng cho nhau, cố gắng sau DĐĐT mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa. Loại hình thứ 3 là khuyến khích tích tụ ruộng đất giữa nhiều hộ, gia đình, anh em họ hàng, mục tiêu là tích tụ được càng lớn càng tốt để thực hiện cơ giới hóa.
Để thực hiện thành công, Huyện ủy có Nghị quyết lãnh đạo, UBND huyện đã thành lập 4 tổ công tác do lãnh đạo UBND, Thường trực huyện là tổ trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ, bài bản theo đúng hướng dẫn của TP. Đặc biệt, phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong quy trình thực hiện DĐĐT để tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Ngoài ra, huyện còn yêu cầu cán bộ địa phương gương mẫu đi đầu, khách quan, công bằng với dân. Nhờ đó trong năm 2013, huyện đã thực hiện DĐĐT đạt 105% kế hoạch TP giao. Năm 2014, huyện phấn đấu tiếp tục củng cố, hoàn thành diện tích còn lại, trong đó UBND huyện dành riêng 20 tỷ đồng để làm giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ DĐĐT.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Tú thực hiện
Nguồn ktdt.vn