Thạch Thất xây dựng huyện nông thôn mới

Thạch Thất xây dựng huyện nông thôn mới
(HNM) - Ngay khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 02, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thạch Thất đã có Nghị quyết chuyên đề, xây dựng các chương trình về đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nhân dân và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Do đó, trước khi thực hiện NTM (năm 2010), trên địa bàn huyện mới có 3 xã đạt 7 tiêu chí, 19 xã đạt 5-6 tiêu chí thì dự kiến đến hết năm 2015 sẽ có 13/22 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 59%). Với những kết quả đạt được, Thạch Thất đang ở trong nhóm dẫn đầu về xây dựng NTM của thành phố.

Vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn địa phương, đồng thời bám sát sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Huyện ủy Thạch Thất xác định "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt". Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HU, Chương trình số 10/CTr-HU về đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, hiệu quả bền vững, xây dựng NTM từng bước nâng cao đời sống của nhân dân giai đoạn 2011-2015. 
 
Trẻ em đọc sách báo miễn phí tại Bưu điện văn hóa xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thu Giang
Trẻ em đọc sách báo miễn phí tại Bưu điện văn hóa xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thu Giang

Trên cơ sở 9 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Thạch Thất đã cụ thể hóa bằng 7 chương trình công tác, trong đó chú trọng 2 chương trình lớn về xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và chương trình phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Cái thuận của huyện là sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, huyện đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành đến năm 2020, tầm nhìn 2030 làm cơ sở cho việc quy hoạch lại sản xuất, phát triển kinh tế. Thực tế, Thạch Thất là huyện có nhiều làng nghề truyền thống phát triển mạnh. Toàn huyện hiện có 50/59 làng nghề, trong đó có 10 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Các làng nghề không đơn thuần sản xuất thủ công như ở nhiều nơi khác mà là những làng nghề công nghiệp lớn sản xuất cơ kim khí, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, làm nhà cổ... Vì vậy, huyện xác định tập trung phát triển làng nghề, xây dựng các cụm công nghiệp để tiếp sức cho làng nghề phát triển bền vững. 

Để khai thác tiềm năng, lợi thế của các làng nghề truyền thống, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện đã xây dựng Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 và xây dựng đề án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Thạch Thất giai đoạn 2014-2020 làm cơ sở phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiệu quả, bền vững. Huyện đã quy hoạch 1 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 264ha, đã giao đất cho 1.235 doanh nghiệp và hộ đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất. Toàn huyện đang có 925 doanh nghiệp và trên 20.000 hộ sản xuất kinh doanh đang hoạt động đã đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế ở địa phương. Không chỉ tạo mặt bằng sản xuất, huyện còn triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề như: Mộc Chàng Sơn, bánh chè Lam ở Thạch Xá để nâng cao giá trị sản phẩm. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hằng năm tăng trưởng bình quân 13,6% và năm 2014 đạt gần 2.435 tỷ đồng, chiếm 67,4% cơ cấu kinh tế. 

Song song với khai thác thế mạnh của các làng nghề, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện còn xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững, trong đó coi trọng việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn huyện có 115 mô hình chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản đạt giá trị 200-220 triệu đồng/ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất cho giá trị kinh tế cao như: Vùng thanh long ruột đỏ 30ha, vùng trồng rau an toàn, vùng lúa hàng hóa chất lượng cao và các mô hình hoa ly, hướng dương, mô hình nuôi lợn rừng, nuôi bò BBB, nuôi gà sinh sản... Từ đây, người dân đã ý thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM nên tích cực vào cuộc. 

Trong quá trình thực hiện cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" của huyện, đã có hàng trăm hộ hiến 15.462m2 đất, góp 174.095 ngày công để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. 5 năm qua, toàn huyện đã đẩy mạnh công tác đấu giá đất, khai thác triệt để các nguồn thu và vận động doanh nghiệp, nhân dân đóng góp để phát triển sản xuất và xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện đã huy động hơn 2.208 tỷ đồng để xây dựng điện, đường, trường học, trạm y tế và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Gần 100% đường liên xã, đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn của huyện khang trang. 

Cùng với phát triển kinh tế, trong xây dựng NTM, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ triển khai có hiệu quả. Đến nay, số thôn, làng, cụm dân cư văn hóa chiếm 75%; cơ quan văn hóa 78,8%; 85% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Với 13/22 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 59%) trong năm 2015, Thạch Thất sẽ ở trong nhóm đầu của TP Hà Nội về xây dựng NTM. Hiện huyện đang dồn sức tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM để về đích sớm so với kế hoạch. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình số 10-CTr/HU, hoàn thiện xây dựng NTM ở các xã còn lại và nâng dần tiêu chí các xã để hoàn thành xây dựng NTM trước năm 2020, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Theo: hanoimoi.com.vn