Thách thức nghề nuôi tôm trên cát
- Thứ ba - 04/12/2012 21:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiệu quả kinh tế
Nuôi tôm trên cát được tiến hành theo hình thức nuôi tôm công nghiệp với quy trình kỹ thuật nuôi tôm thâm canh, thả nuôi với mật độ cao. Nguồn nước nuôi là nước biển và nước ngầm được bơm từ các hệ thống giếng khoan với độ sâu tùy theo nhu cầu về độ mặn trong quá trình nuôi. Hệ thống ao được lót bạt hoàn toàn, nên không có hiện tượng nước thẩm lậu, môi trường nước ít bị ảnh hưởng của môi trường chất nền đáy do đó hạn chế được sự lây truyền mầm bệnh theo chiều ngang.
Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình nuôi tôm trên cát tạo được bước đột phá về năng suất và sản lượng nuôi, với năng suất từ 10 - 14 tấn/ha/vụ, và có thể nuôi 2 - 3 vụ/năm. Hiện nay người nuôi thường tập hợp các ao nuôi với diện tích lớn (10 - 30 ha hoặc hơn) đã góp phần không nhỏ cho việc sử dụng nguồn lao động tại chỗ ở nông thôn, đồng thời hạn chế những rủi ro trong vụ nuôi. Trong năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đã triển khai 3 mô hình nuôi tôm trên cát theo hướng GAP bền vững và đã thành công, được xem là một hướng đi cần học tập và nhân rộng.
Nuôi tôm trên cát tại La Gi
Thực trạng
Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi tôm trên cát thì vấn đề đáng lo ngại nhất là sự ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ và mặn hóa nguồn nước ngọt. Vì hiện tại hầu hết các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh không sử dụng nước mặt (lấy nước biển tự nhiên) mà sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm. Trung bình mỗi hộ nuôi có khoảng 3 - 5 giếng khoan, độ sâu của các giếng này tùy theo nhu cầu độ mặn trong quá trình nuôi. Do đó, lượng nước ngầm phục vụ nuôi tôm tương đối lớn, mà vùng cát ven biển thường có trữ lượng nước ngầm thấp, nếu lạm dụng quá mức dễ dẫn đến lún sụt địa tầng và tăng sự xâm nhập mặn lấn sâu vào khu vực nội đồng, gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển nông nghiệp ở một vài địa phương trong tỉnh.
Bên cạnh việc quy hoạch vùng nuôi triển khai chưa đồng bộ, việc xả nước thải từ các ao nuôi tôm tại khu vực nuôi thâm canh nếu không được quản lý và kiểm soát, sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nguồn nước biển, ảnh hưởng môi trường tự nhiên ven bờ. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ nuôi vùng kế cận mà còn ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản lồng bè ở khu vực biển tiếp giáp.
Ngoài ra, phong trào nuôi tôm trên cát phát triển mạnh trong bối cảnh tự phát dễ dẫn đến tình trạng rừng phòng hộ, rừng cây bụi có thể bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh. Hơn nữa, việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh cho tôm nuôi. Một trong những nguyên nhân mà dịch bệnh trong vùng luôn ở trong cái vòng luẩn quẩn xả thải – cấp nước. Một số khu vực, do địa hình phức tạp, việc đặt hệ thống cấp nước vô cùng khó khăn, nếu tính toán không kỹ dễ dẫn đến tình trạng xây dựng xong không sử dụng được hoặc thời gian sử dụng quá ngắn so với kinh phí đầu tư rất lớn.
Hướng phát triển trong tương lai
Để nghề nuôi tôm trên cát ở địa bàn tỉnh phát triển bền vững mà còn mang lại lợi ích cho xã hội. Do đó cần phải xem xét cẩn trọng, đặt lợi ích và mặt trái của mô hình lên bàn cân để tính toán. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương: Điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, để có quy hoạch chi tiết cho vùng nuôi, đối tượng nuôi và hình thức nuôi trên cát. Có báo cáo về đánh giá tác động môi trường, đánh giá trữ lượng nguồn nước ngầm tại địa phương… Bởi nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường, đừng để những vùng nuôi ven biển biến thành vùng đất “chết”. Bên cạnh đó cần phải tuyên truyền phổ biến kiến thức để nâng cao ý thức cộng đồng cho người nuôi, quy định chặt chẽ về quản lý nguồn nước ngầm, về điều kiện nuôi trồng của các hệ thống này để việc nuôi tôm trên cát không trở thành “lợi bất cập hại” như một số khu vực hiện nay.