Thái Nguyên hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững: Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các cuộc hội thảo giúp nông dân thay đổi tư duy làm ăn, có thêm kiến thức trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhiều diện tích đất trồng ngô, mía tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) được chuyển sang trồng bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ĐỨC ANH
 

Nhờ đó, ở các địa phương đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cây bưởi Diễn, cam Vinh (huyện Võ Nhai), nấm ăn và nấm dược liệu (huyện Phú Lương, Đại Từ), ngựa bạch, lợn nái ngoại (thị xã Phổ Yên, TP Sông Công, huyện Phú Bình)… Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp ngân hàng và các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ để giải quyết nhu cầu về vốn, cung ứng vật tư, giống cây trồng theo phương thức trả chậm, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế.

Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập 848 tổ liên kết vay vốn, với 15.971 thành viên, dư nợ cho vay hơn 1.192 tỷ đồng; ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với 954 tổ tiết kiệm vay vốn, cho 27.783 hộ gia đình vay, dư nợ hơn 806 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh có hơn 23 tỷ đồng cho gần 800 hộ dân vay tại 65 dự án. Đến nay, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập mới 171 mô hình kinh tế tập thể, 80 mô hình cấp huyện, 451 mô hình cấp xã; thành lập 75 hợp tác xã... Phong trào của các cấp Hội nông dân đã góp phần giảm nghèo, tăng số hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh.

* Tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư các giải pháp phát triển nguồn nhân lực nông thôn trên cơ sở đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, tổ chức giáo dục nghề nghiệp cho 128 nghìn lao động, trong đó lao động qua đào tạo đạt 67%; hơn 80% số lao động học nghề ra trường có việc làm đúng nghề đã học.

Theo đó tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cho công tác giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, có 33 cơ sở, trong đó 27 cơ sở công lập và sáu cơ sở ngoài công lập bảo đảm đủ điều kiện dạy nghề chất lượng. Tỉnh quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát triển mỗi huyện, thị xã có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (không tính huyện đảo Kiên Hải); bình quân ba đơn vị hành chính cấp huyện có một trường trung cấp nghề; toàn tỉnh có hai đến ba trường cao đẳng nghề, trong đó huyện đảo Phú Quốc phát triển một số trường nghề chất lượng cao. Đồng thời, triển khai kế hoạch, đầu tư thực hiện phương án đào tạo nghề phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của bốn vùng trọng điểm là Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng và vùng biển đảo.

Theo: nhandan.com.vn