Thăm xã NTM Trung An

Thăm xã NTM Trung An
Không chỉ đạt đủ 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, xã Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) còn đạt thêm tiêu chí thứ 20.
Thăm xã NTM Trung An
Đường giao thông ở xã Trung An đạt chuẩn

Đó là ứng dụng thành công công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hành chính một cửa.

Chưa dừng lại ở 20 tiêu chí

Phó Chủ tịch UBND xã Trung An Lâm Hồng Sững vui mừng cho biết, cách đây ít ngày, Trung An đã được công nhận là xã đầu tiên của TP Cần Thơ cán đích NTM với 20 tiêu chí, sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM (2011-2013).

Đầu năm 2014, với sự đóng góp ngày công lao động của người dân trong xã, Trung An xây dựng xong hai cây cầu Ngã Cậy (dài 27 m, rộng 4 m) và cầu Trà Ếch (dài 24 m, rộng 4,5 m) với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng (đạt 200% kế hoạch).

Ngoài ra, xã cũng tổ chức họp dân triển khai làm tuyến mặt cứng rạch Vạn Lịch thuộc ấp Thạnh Lộc 1 với tổng chiều dài hơn 1.600 m, rộng 4 m với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Công trình này đã xây dựng nền hạ được 500 m và thu được 25% tiền của nhân dân đóng góp.

Tính đến thời điểm này, Trung An đã hoàn thành việc nạo vét 9 tuyến kênh, trong đó có 5 tuyến thủy lợi tạo nguồn và 4 tuyến thủy lợi nội đồng với tổng khối lượng hơn 300.000 m3. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, đã nghiệm thu xong 3 tuyến kênh thủy lợi tạo nguồn là rạch Xẻo Cách, Xẻo Tràm và Xẻo Môn với tổng chiều dài gần 6.400 m với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng.

Trung An hiện có trên 96% trong tổng số 6.972 lao động có việc làm thường xuyên và ổn định trong các lĩnh vực SX như phun thuốc, thu hoạch, vận chuyển, công nhân trong các nhà máy chế biến gạo…

Thông qua các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội như giải quyết việc làm, XK lao động... cũng đã giúp thêm cho 610 hộ có việc làm thường xuyên. Tính đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,2 triệu đồng/người/năm (năm 2013 là 26 triệu đồng/người/năm).

Để cho bà con có việc làm bền vững, Trung An cũng triển khai cánh đồng mẫu, nhân rộng các mô hình SX có hiệu quả như mô hình của HTXNN Trung An, rút tỷ lệ hộ nghèo xuống còn xấp xỉ 3%.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) đặc biệt ấn tượng và đánh giá cao cách làm của nông dân Nguyễn Quốc Thanh.
Theo ông Tiến, đây là cách làm cần được chính quyền địa phương nhân rộng. Chính quyền xã cần đầu tư và khuyến khích những người như anh Thanh trở thành những người thày để dạy cho nhiều nông dân vươn lên làm giàu.

Cũng theo ông Sững, tiêu chí thứ 20 là cung cấp dịch vụ công cũng được Trung An cán đích vào đầu năm 2014. Xã đã thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý cải cách hành chính một cửa, đặc biệt là “một cửa điện tử ở mức độ 2” (đáp ứng đủ 5 tiêu chí do Bộ Thông tin - Truyền thông quy định), nên chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2014 đã tiếp nhận và giải quyết 254 hồ sơ các loại; giải quyết nhanh hơn và giảm thời gian đi lại của nhân dân.

Giàu lên từ SX giống lúa

Một trong những điểm nhấn giúp Trung An cán đích xây dựng NTM chính là tỷ lệ có việc làm sau khi được học nghề của bà con nông dân là khá cao.

Nghề SX lúa giống đã giúp cho Trung An có được một nguồn cung cấp giống tốt nhất, hạn chế việc nhập giống bên ngoài. Xã cũng dành khoảng 15 ha để SX lúa giống nguyên chủng.

Anh Nguyễn Quốc Thanh ở ấp Thành Lợi là một trong những nông dân đã giàu lên từ SX lúa giống. Anh Thanh cho biết, 2 năm trước, anh đăng ký tham dự lớp dạy nghề SX lúa giống đầu tiên của xã. Kết thúc 3 tháng học nghề, anh đăng ký gia nhập HTXNN Trung An.

nh-thnh-1-trung-n162439235

Anh Thanh bên căn nhà khang trang vừa mới hoàn thiện

Nói thêm về hiệu quả của giống lúa do HTX SX, anh Thanh cho hay, ngày trước SX lúa thịt, sau khi trừ mọi chi phí, tiền lời chẳng đáng là bao. Còn bây giờ, lấy giống từ Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa mới ít sâu bệnh, chi phí dùng để mua thuốc cũng giảm đáng kể và quan trọng, SX lúa giống đến đâu, ngoài bà con đến tận nhà để mua thì HTX cũng đến thu gom hết.

Hiện nay, cả 11 thành viên của HTXNN Trung An đang cung cấp hai giống chủ lực cho toàn xã là giống Jasmine 85 (vụ ĐX) và OM 4218 (vụ HT).

Anh Thanh cho biết: Bây giờ, tôi chẳng còn phải lo làm ăn xa nữa bởi sau 2 năm vào HTX, gia đình tôi đã thoát nghèo, đủ nuôi 3 con ăn học, thậm chí còn đủ tiền để xây được nhà.

Ông Lâm Hồng Sững cho hay: Dù còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua, nhưng Trung An sẽ tiếp đẩy mạnh xây dựng NTM bằng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng các mô hình SXNN chất lượng cao, ổn định. Tất cả để cuộc sống của mỗi người dân vùng sông nước này giàu có, bền vững.

Tố Như
Nguồn: nongnghiep.vn