Thanh Hóa: Đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới

Thanh Hóa: Đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới
Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã hoạch định 5 chương trình trọng tâm. Trong đó, chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM đặc biệt được coi trọng và đặt lên hàng đầu.

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015- 2020 đã hoạch định 5 chương trình trọng tâm bao gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Vùng sản xuất lúa chất lượng hiệu quả cao tại Thanh Hóa

Trong 5 chương trình trọng tâm đó thì chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM đặc biệt được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Mục tiêu lớn của chương trình này là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Quan tâm phát triển thủy sản cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; khuyến khích đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, tạo điều kiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2,5 lần năm 2014. Bằng các giải pháp: Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, khu nông nghiệp công nghệ cao thị trấn Thống Nhất và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển chăn nuôi nông hộ có kiểm soát; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; nâng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp lên 45% vào năm 2020. Quy hoạch phát triển các trang trại chăn nuôi ở vùng bán sơn địa, xa khu dân cư nhằm hạn chế tác động ô nhiễm môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi triển khai nhanh các dự án chăn nuôi bò sữa tập trung và bò thịt chất lượng cao. Hình thành và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, trước hết là đất nông nghiệp. Xây dựng cơ chế thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua các hình thức: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... coi đây là động lực mới để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó các huyện miền xuôi có 70% số xã đạt chuẩn NTM.

Đến thời điểm này các công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh đang hướng về Đại hội với khí thế mới, quyết tâm cao. Đại hội Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa sẽ dành phần lớn thời gian để các đại biểu tham luận cho ý kiến về các văn kiện, báo cáo chính trị của BCH khóa XVII nhằm hoàn thiện tốt nhất chương trình hành động toàn khóa cũng như các hoạch định lớn lâu dài của Đảng bộ. Có thể nói, việc xây dựng các văn kiện lần này được triển khai khá sớm, chu đáo và kỹ lưỡng với từng mục, nội dung chi tiết, mạch lạc. Nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, cởi mở đóng góp xây dựng vào báo cáo chính trị của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, trí thức… đã được tiểu ban văn kiện tổng hợp trình BCH nghiêm túc tiếp thu bổ sung hoàn chỉnh trước khi trình Bộ Chính trị phê duyệt.

Theo Báo Nông nghiệp