Thanh Hóa XDNTM: Lấy sức dân để lo cho dân
- Thứ năm - 19/02/2015 22:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Quyền đánh giá cao nỗ lực của Cty Tiến Nông đã đưa tiến bộ mới vào sản xuất,
thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Trong những năm qua, Ban chỉ đạo XDNTM, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các địa phương phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền để phát huy sức dân với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, “lấy sức dân để lo cho dân”. Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, tuyệt đối không bắt buộc người dân đóng góp khi chưa đồng thuận.
Cùng với việc tổ chức, chỉ đạo, công tác triển khai các mô hình sản xuất từ nguồn vốn hỗ trợ cũng được tỉnh quan tâm. Cụ thể, trong năm qua, UBND tỉnh đã phân bổ 18.970 triệu đồng từ vốn sự nghiệp Trung ương để hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn cho các địa phương. Đến nay, đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố thực hiện triển khai hỗ trợ mô hình sản xuất, trong đó đã huy động được 76.010 triệu đồng nguồn vốn đóng góp của người dân. Các địa phương đã thực hiện được 194 mô hình gồm: 52 mô hình cơ giới hóa đồng bộ, 20 mô hình thủy sản, 53 mô hình chăn nuôi, 53 mô hình trồng trọt và 16 mô hình ngành nghề nông thôn với 3.700 hộ gia đình và HTX tham gia.
Đến nay, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực và có khả năng nhân rộng như mô hình cơ giới hóa đồng bộ ở huyện Đông Sơn, mô hình phân viên dúi nén sâu ở Như Thanh, mô hình thụ tinh bò lai 3B nhân tạo tại huyện Cẩm Thủy, mô hình nuôi thỏ tại huyện Tĩnh Gia…
Cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh như chính sách hỗ trợ XDNTM, chính sách phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, hỗ trợ sản xuất vùng rau an toàn tập trung… UBND tỉnh đã ưu tiên lồng ghép các dự án và ưu tiên tỷ lệ điều tiết tiền cấp quyền sử dụng đất cho các địa phương. Nhờ đó, trong năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp cải tạo được 510km đường giao thông nông thôn; 215km kênh mương nội đồng; 473 phòng học các cấp; 43 trạm y tế xã; 46 công trình công sở xã; 42 nhà văn hóa xã; 304 nhà văn hóa thôn; chỉnh trang và xây mới gần 10.000 nhà ở dân cư; cải tạo 40 chợ nông thôn; đưa vào sử dụng hơn 8.000 công trình nước sinh hoạt và công trình vệ sinh…
Thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo như dồn điền đổi thửa trong sản xuất để tạo quỹ đất, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng, duy trì phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở dựa vào khả năng, nỗ lực của địa phương… Chỉ tính riêng trong năm qua, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho chương trình XDNTM của tỉnh đạt 4.205 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm gần 40%.
Đến nay, bình quân toàn tỉnh đạt 11,8 tiêu chí/xã, 45 xã và 6 thôn bản được công nhận đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí quốc gia. Mục tiêu đến năm 2015, có thêm 41 xã đạt chuẩn, riêng các xã miền núi có ít nhất 1 thôn bản đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND, Phó trưởng ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Thanh Hoá cho biết: Để đạt được những kế hoạch đã đề ra, Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tập trung đẩy mạnh phong trào “chung sức XDNTM”, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chú trọng đến các sản phẩm chủ lực, hình thành sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có nhiều chính sách hơn nữa trong thúc đẩy sản xuất; huy động nguồn lực hiệu quả để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, để chương trình XDNTM ngày càng có sức lan tỏa hơn nữa, Thanh Hóa rất cần Trung ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các xã vùng đặc biệt khó khăn góp phần đẩy nhanh tiến độ, xem xét giao kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có cơ sở phối hợp thực hiện.
Theo kinhtenongthon.com.vn