Thanh Hóa sau 4 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 12/04/2015 03:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(VH&ĐS) Huy động nguồn lực đạt khá, diện mạo nông thôn khởi sắc là những thành tựu quan trọng của Thanh Hóa sau 4 năm (2011 - 2014) xây dựng NTM.
Sau 4 năm (2011 - 2014) thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa đã đạt bình quân 11,8 tiêu chí/xã, có 45 xã, 6 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM.
Dẫn đầu phong trào là huyện Yên Định đạt bình quân 16,7 tiêu chí/xã và 8 xã hoàn thành NTM. Tiếp đến là các huyện Quảng Xương, Thọ Xuân đạt từ 13,7 đến 14,6 tiêu chí/xã và đã có 5 đến 7 xã cán đích NTM. Miền núi có 2 xã thuộc huyện Thạch Thành và Như Thanh đạt chuẩn NTM...
Dẫn đầu phong trào là huyện Yên Định đạt bình quân 16,7 tiêu chí/xã và 8 xã hoàn thành NTM. Tiếp đến là các huyện Quảng Xương, Thọ Xuân đạt từ 13,7 đến 14,6 tiêu chí/xã và đã có 5 đến 7 xã cán đích NTM. Miền núi có 2 xã thuộc huyện Thạch Thành và Như Thanh đạt chuẩn NTM...
Mô hình sản xuất ớt xuất khẩu cho thu nhập cao đang được
nhân rộng ở xã Xuân Quang (Thọ Xuân. Ảnh: Thúy Hòa
Mặc dù không được chọn là tỉnh xây dựng điểm NTM, nhưng Thanh Hóa đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đầu tiên là chọn 3 xã có khả năng hoàn thành 19 tiêu chí năm 2012: Quý Lộc (Yên Định), Thiệu Trung (Thiệu Hóa), Minh Dân (Triệu Sơn) để chỉ đạo, từ đó rút kinh nghiệm nhân diện rộng. Năm 2013, Thanh Hóa tiếp tục xây dựng 11 xã hoàn thành NTM. Theo đó là việc phê duyệt danh sách 128 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014-2016.
Quá trình thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh cũng như BCĐ, Văn phòng điều phối NTM luôn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở. Các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc, tích cực chỉ đạo các cấp hội của mình lồng ghép các chương trình “Chung sức xây dựng NTM”. Các huyện, thị, thành phố đã thành lập BCĐ xây dựng NTM, có chính sách kích cầu hợp lý, khen thưởng cho các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM…
Nhờ vậy, xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được mọi thành phần, mọi người dân tham gia. Nhiều huyện, thị xã đã lấy tiêu chí thu nhập cho người dân làm mục tiêu phấn đấu. Ở nhiều địa phương đã hình thành được các mô hình phát triển sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình cơ giới hóa đồng bộ (chiếm gần 25%), mô hình phát triển thủy sản (hơn 9%), mô hình chăn nuôi (hơn 32%), mô hình trồng trọt (hơn 30%)…
Xây dựng NTM gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống làng Giang Khê (Xuân Du – Như Thanh).
Ảnh: Thúy Hòa
Ảnh: Thúy Hòa
Trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, riêng năm 2014, từ nguồn trái phiếu Chính phủ và vốn sự nghiệp kinh tế của tỉnh, đã hỗ trợ được hơn 148 tỷ đồng cho 109 công trình của 107 xã để nâng cấp, cải tạo, xây mới các công trình theo chính sách xây dựng NTM của tỉnh; hỗ trợ hơn 93 tỷ đồng cho 267 xã mua xi măng xây dựng NTM, mỗi xã 350 triệu đồng. Từ nguồn xi măng được hỗ trợ, các địa phương đã huy động thêm được hơn 410 tỷ đồng để xây mới và nâng cấp giao thông nông thôn, giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa thôn. Cùng với lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình khác, năm 2014 đã đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo hàng trăm phòng học, trạm y tế, công sở xã, đường giao thông nông thôn. Tham gia xây dựng NTM, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp gần 30 nghìn ngày công lao động, hiến gần 90 ha đất.
Trong huy động nguồn lực, năm 2014 Thanh Hóa đạt hơn 4,23 nghìn tỷ đồng. Việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng NTM ở các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hạ tầng nông thôn được xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất và cải thiện đời sống của người dân. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển biến mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Diện mạo nông thôn đã có sự khởi sắc mạnh mẽ, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tuy vậy, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở Thanh Hóa vẫn còn nhiều nan giải, nhất là các huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Số tiêu chí chuẩn đạt được còn quá thấp, huyện Mường Lát mới đạt 3,5 tiêu chí/xã. Các huyện vùng 30a chưa có xã nào hoàn thành NTM. Thậm chí một số ít huyện miền xuôi có điều kiện vẫn chưa có xã đạt chuẩn NTM như: TX Bỉm Sơn, TX Sầm Sơn, huyện Tĩnh Gia... là những thách thức lớn đang đặt ra cho Thanh Hóa trong quá trình lãnh, chỉ đạo xây dựng NTM.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt. Vẫn còn một số ngành, địa phương thiếu tính chủ động trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó là sự thay đổi một số nhân sự trong bộ máy tổ chức thực hiện chương trình nhưng chậm kiện toàn. Một số ngành thành viên BCĐ chưa tích cực tham gia phong trào; các văn bản, hướng dẫn chậm ban hành. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa phát huy tốt vai trò người đứng đầu, lộ trình phân bổ nguồn lực xây dựng NTM hạn chế, nhất là thôn, bản miền núi...
Thanh Hóa đang phấn đấu thực hiện mục tiêu trong năm 2015 có thêm 30 xã đạt chuẩn NTM. Các xã trong danh sách phấn đấu hoàn thành năm 2016, mỗi xã tăng bình quân từ 2 - 2,5 tiêu chí; các xã còn lại tăng từ 1 tiêu chí trở lên; mỗi xã miền núi có ít nhất 1 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2016 - 2020 có thêm 210 xã đạt chuẩn NTM, 6 huyện đạt chuẩn NTM. Ở miền núi mỗi năm, mỗi xã có thêm 1 thôn, bản trở lên đạt các tiêu chí thôn, bản NTM.
Các giải pháp cần thực hiện là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân thi đua “Chung sức xây dựng NTM”; kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động tham mưu của bộ máy giúp việc, BCĐ từ tỉnh đến cơ sở. Trong công tác chỉ đạo cần quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất, khuyến khích ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, sản lượng và giá trị. Thực hiện liên kết giữa hộ với doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ, tạo chuỗi giá trị trong khâu sản xuất sản phẩm nông nghiệp, có sức cạnh tranh cao. Đồng thời xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn...
Theo: vanhoadoisong.vn