Thạnh Phú thu hút đầu tư cung cấp nước sạch

Thạnh Phú thu hút đầu tư cung cấp nước sạch
Là một trong ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, những năm qua Thạnh Phú chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên huyện đang tích cực xây dựng hạ tầng cung cấp nước sạch cũng như hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt kết hợp phát triển giao thông và bảo vệ môi trường.
14-55-05_710
Công trình xây dựng mới cống và nạo vét hệ thống trữ ngọt xã Hòa Lợi.

Cuối năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Thạnh Phú xây dựng kế hoạch số 51 về xây dựng hạ tầng cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, giai đoạn 2016 - 2020. Qua 3 năm triển khai, ý thức của người dân về trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất ngày càng thể hiện rõ nét. Đến nay, bình quân mỗi hộ gia đình đều có dụng cụ chứa nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt tối thiểu đảm bảo trong mùa nắng.

Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02 đạt gần 40%, tăng 6,8% so với năm 2016. Tỷ lệ hộ dân hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 97%, tăng 6,4%. Nâng cấp công suất các nhà máy nước để mở rộng mạng phục vụ người dân, với tổng công suất hơn 12.200 m3/ngày, phục vụ gần 40.000 người, tăng hơn 8.600 người.

Cụ thể, nhà máy nước thị trấn Thạnh Phú công suất 8.160m3/ngày, Hòa Lợi công suất 720m3/ngày, Thới Thạnh công suất 960m3/ngày, Phú Khánh công suất 480m3/ngày, nhà máy nước tư nhân Cẩm Loan ở xã Tân Phong có công suất 1.920m3/ngày. Nhìn chung, đến nay mạng lưới cấp nước đã đến hầu hết trung tâm các xã để phục vụ người dân.

Huyện Thạnh Phú cũng đã tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh đầu tư nạo vét 59 km kênh mương, cứng hóa 19 km đê bao vùng ngọt hóa, gần 6km đê biển với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai các công trình trọng điểm gồm cống Giồng Luông, Bến Luông, Cả Ráng cạn, Rạch Mũi, cống và cầu Cái Cá, cống Tàng Dù nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất, cải tạo đất, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, ổn định đời sống dân cư trong vùng dự án ngọt hóa của huyện.

Bên cạnh, từ nguồn vốn được phân cấp huyện đã đầu tư sửa chữa 11 cống, xây dựng mới 06 cống, 02 tuyến kênh bê tông với chiều dài 1,4 km, nạo vét hơn 6km kênh với tổng kinh phí khoảng 21 tỷ đồng. Từ 3 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu, huyện đã đã xây dựng mới cống và nạo vét hệ thống trữ ngọt xã Hòa Lợi với cửa cống rộng 3 m, đường bê tông gần 500m, nạo vét kênh 2.200m.

14-55-05_711
Lắp đặt máy lọc nước, dụng cụ chứa nước cho các điểm trường.

Ngoài ra, với sự chung tay đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, đã trang bị hơn 980 ống hồ và hơn 2.000 bồn nhựa để trữ nước cho người dân, với kinh phí 5,7 tỷ đồng. Cùng với đó, Tập đoàn Novaland đã hỗ trợ máy lọc nước, dụng cụ chứa nước cho tất cả các điểm trường trên địa bàn huyện, với kinh phí trên 04 tỷ đồng.

Tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy và ý thức nhân dân qua công tác tuyên truyền không chỉ là việc người dân tự trang bị dụng cụ trữ nước như xây dựng ống hồ xi măng, trang bị bồn nhựa mà bà con còn tận dụng ao, mương vườn sẵn có để đắp bờ, chặn đập trữ nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
 

Theo: Minh Mừng/nongnghiep.vn