Thanh Tân - điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình

Thanh Tân - điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình
Thanh Tân là một trong những xã được chọn xây dựng điểm về mô hình nông thôn mới ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đến nay, sau 4 năm triển khai, nhờ phát huy tính sáng tạo trong chỉ đạo và sự đồng lòng của nhân dân, địa phương đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

 

 Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Tân Phạm Văn Nhận (Ảnh: Kim Dung)

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Nhận - Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Tân cho biết, ở hầu hết các địa phương, trong triển khai xây dựng nông thôn mới, vấn đề khó nhất là thực hiện quy hoạch. Nhưng đến nay Thanh Tân không những dừng lại ở 3 bộ quy hoạch cơ bản mà lập thêm 4 bộ quy hoạch nữa. Những quy hoạch mà người bí thư tâm huyết chia sẻ đó là: Quy hoạch tổng thể; quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề; quy hoạch điểm dân cư nông thôn; quy hoạch điểm tái định cư nông thôn. Không những thế, trong quản lý quy hoạch, xã đã thực hiện gần 100% diện tích mặt bằng theo nhu cầu xây dựng các công trình phúc lợi được giải phóng. Xã cũng đã vận động được nhân dân góp 9,9ha đất ruộng để làm công trình thủy lợi nội đồng, san lấp 3,3ha diện tích ao thành đất canh tác, dồn điền đổi thửa từ 3,25 thửa trên hộ nay còn 1,46 thửa/hộ. Đặc biệt, ở trong khu dân cư đã vận động được nhân dân hiến 5.218m2 đất thổ, thu dỡ 4.656m tường dậu xây; 88 cổng; 6 nhà, 26 bếp, 21 công trình phụ, 2 miếu thờ và 4 mộ tổ và hàng nghìn cây que, chướng ngại vật khác để thực hiện quy hoạch.

Đúng theo lời kể của Bí thư Phạm Văn Nhận, có dịp ghé thăm Thanh Tân, đặc biệt là những ai đi xa có dịp về xã Thanh Tân trong những ngày này đều thật sự cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của quê hương. Giờ đây, các tuyến đường trục xã Thanh Tân đều đảm bảo nền đường 9m trở lên, trong đó cứng hóa đạt 5m trở lên. Các tuyến trục thôn, nền đường từ 6-10m, trong đó phần cứng hóa 4m trở lên. Các đường nhánh thôn nền từ 3,5 đến 6m, trong đó phần cứng hóa đạt 3,5m trở lên. Hầu hết các tuyến giao thông của xã đều xây dựng hệ thống thoát nước khá cơ bản.

Bí thư Phạm Văn Nhận cho biết, Thanh Tân đã hoàn thành mô hình nhà văn hoá truyền thống khang trang, độc đáo, công trình đã và đang phát huy hiệu quả,  góp phần nâng cao giá trị đời sống tinh thần của nhân dân. Nhà văn hoá đã tạo điều kiện cho các em thanh thiếu niên có sân chơi, dễ dàng tiếp cận thông tin thời sự. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều đầu sách giúp các em tìm hiểu về văn hoá, lịch sử của quê hương, đất nước... Để hoàn thành được các tiêu chí trên, là nhờ vào bề dày truyền thống của 1 xã là 14 năm liên tục giữ vững Đảng bộ trong sạch vững mạnh, 13 năm liên tục chính quyền trong sạch vững mạnh... Đặc biệt trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, chưa bao giờ Thanh Tân lại đạt được sự đồng thuận cao, hợp ý Đảng, lòng dân, trong đội ngũ cán bộ như vậy. Mọi tổ chức, cá nhân cùng thi đua lấy hoàn thành 19 tiêu chí làm điểm tương đồng để phấn đấu và quyết tâm xây dựng Thanh Tân ngày càng phát triển khởi sắc.

 

 
 Nhà văn hoá xã lưu giữ nhiều đầu sách quý (Ảnh: Kim Dung)

 

Bí thư Phạm Văn Nhận tâm sự, những bài học mà Thanh Tân rút ra trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đó là: trong triển khai xây dựng nông thôn mới là phải quán triệt, tuyên truyền, nhận thức đầy đủ, đúng đắn chương trình đến mọi tầng lớp nhân dân. Để nhân dân nhận thức được tầm quan trọng cũng như xác định quyền lợi của người dân trong chương trình. Từ đó, chọn đúng điểm xuất phát, đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn tập trung lãnh đạo và sắp xếp theo trình tự ưu tiên đầu tư hợp lý để việc làm trước hậu thuẫn cho việc làm sau và ngược lại.

Cùng với đó Đảng uỷ cần phát hiện đúng vai trò, vị trí có tính quyết định của đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ chủ chốt ở từng phạm vi để phát huy. Coi trọng, khuyến khích, tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ, tổ chức tốt công tác thi đua sáng tạo có hiệu quả, thực hiện quan điểm biết người, biết việc. Đồng thời phối hợp phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trên cơ sở thực hiện sự phân công, phân chia giao thêm nhiệm vụ và tạo điều kiện cho họ hoàn thành phù hợp với tính chất của từng tổ chức. Cấp uỷ đã biết cách tổ chức, khai thác có hiệu quả đa dạng các nguồn lực, trong đó có nguồn lực vật chất, tinh thần từ sức dân, từ lực lượng cán bộ hưu trí và đội ngũ con em sinh ra tại xã công tác trên mọi vùng miền của Tổ quốc. Trên cơ sở đảm bảo dân chủ, minh bạch, công khai, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, mọi nguồn lực đầu tư, tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong Đảng bộ, trong nhân dân để tiếp tục khai thác được sức mạnh, tiềm năng đó theo phương châm: "dựa vào sức dân để lo cho dân” một cách bền vững.

Tạm biệt xã Thanh Tân, chúng tôi đồng tình với câu nói đầy tâm huyết của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã: "trong mọi vấn đề phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, huy động được sức dân thì mọi vấn đề dù khó đến mấy cũng có thể hoàn thành..."

 

Kim Dung
Nguồn dangcongsan.vn