Thanh Trì đủ điều kiện trở thành huyện nông thôn mới
- Thứ ba - 09/08/2016 22:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về đích sớm 2 năm
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thanh Trì, ngay từ tháng 9.2011, khi Thành ủy Hà Nội tổ chức phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", huyện đã xác định chương trình này là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp ngành phải tập trung triển khai tích cực, đúng quy trình. Trước hết, toàn huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng NTM và các tổ chuyên viên giúp việc. Đối với cấp xã, các Đảng ủy có nghị quyết chuyên đề để thực hiện, đặc biệt là công tác dồn điền đổi thửa.
Theo đó, các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền trên nhiều hình thức như hệ thống phát thanh, hội nghị, họp dân, panô, áp phích. Thông qua ngày hội đại đoàn kết toàn dân, các xã đã lồng ghép với nhiều hoạt động để truyền tải nội dung xây dựng NTM tới bà con. Qua đó, người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng NTM là đem lại lợi ích cho chính họ và có ý thức tham gia thực hiện.
Sau dồn điền đổi thửa, người dân huyện Thanh Trì có điều kiện phát triển vùng rau màu tập trung. Ảnh: T.L
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, thời gian qua, công tác xây dựng NTM của huyện Thanh Trì đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, là 1 trong 3 huyện đã trình Hội đồng thẩm định T.Ư xét công nhận huyện NTM. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế của huyện cũng đạt kết quả tốt, trong đó nhiều chỉ tiêu về phát triển sản xuất, mức sống người dân đạt cao.
|
Kết quả cho thấy, đến hết năm 2015, toàn huyện có 15/15 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 2 năm so với đề án huyện xây dựng và là 1 trong 3 huyện đứng đầu thành phố về tỷ lệ số xã đạt NTM.
Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Thanh Trì đã có nhiều kinh nghiệm, bài học từ lý thuyết đến thực tiễn. Trong đó, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống người dân, ưu tiên triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp, các dự án hạ tầng khung và các công trình phục vụ an sinh xã hội như: Trường học, chợ nông thôn, nhà văn hóa… Nhờ vậy, diện mạo các vùng nông thôn tại đây đã có nhiều đổi mới rõ nét theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, huyện đã hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường nối Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp; đường bao phục vụ phát triển sản xuất cho vùng trồng cây ăn quả xã Vạn Phúc, 2 tuyến đường trục thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh; 2,5km đường ngõ xóm tại các xã Liên Ninh, Hữu Hoà, Tả Thanh Oai và hệ thống thuỷ lợi phục vụ tiêu thoát cánh đồng phía tây làng xã Yên Mỹ.
Xây dựng làng xanh, xã xanh
Đại diện lãnh đạo huyện Thanh Trì cho biết, để tạo nguồn lực và tăng thu nhập cho người dân, huyện đã chủ động bố trí kinh phí, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chỉ đạo phát triển làng nghề, đẩy mạnh việc nhân cấy nghề và đến nay đã hoàn thành xây dựng thương hiệu làng nghề mây tre đan xã Vạn Phúc, đang triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề miến, bánh đa xã Hữu Hoà.
Huyện cũng tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Kết quả, đã chuyển đổi được 44,97ha từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, nuôi trồng thuỷ sản và trên 75ha cây ăn quả có múi.
Đặc biệt, huyện đã tập trung dồn điền đổi thửa được 816,9ha, đạt 100% kế hoạch. Nhờ triển khai tốt công tác dồn điền đổi thửa, huyện không chỉ hoàn thiện xây dựng hệ thống giao thông nội đồng mà còn chuyển đổi được 120ha sang nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn quả tập trung; ổn định vùng trồng rau an toàn, vùng sản xuất lúa tập trung.
Ngoài tập trung phát triển sản xuất, huyện cũng chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, huyện vừa triển khai có hiệu quả đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường huyện đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; huy động rộng rãi nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức tham gia theo hình thức xã hội hoá để cải tạo môi trường, kè và làm sạch hồ, ao; xây dựng và nhân rộng thành công một số mô hình như “Làng, xã sáng xanh, sạch, đẹp”, mô hình “Nghĩa trang xanh”…; triển khai dự án đầu tư hệ thống cấp nước sạch đô thị cho các xã, đến nay 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó có 65% hộ dân được cấp nước sạch đô thị.
Nhờ những cố gắng đó, đời sống vật chất của người dân Thanh Trì từng bước được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đến hết tháng 6.2016 đạt khoảng 33,39 triệu đồng/người/năm, vượt quy định của thành phố (quy định đạt chuẩn năm 2016 là 33 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo đạt 2,54% theo chuẩn mới, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 90%.
Theo: Tâm Lê/danviet.vn