Thành công nhờ phát huy sức dân
- Thứ năm - 08/12/2016 09:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trao đổi với PV, ông Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của người dân.
- Thưa ông, xây dựng NTM của Hậu Giang thời gian qua đã đạt nhiều thành công. Xin ông khái quát lại những nét nổi bật nhất?
Hậu Giang là tỉnh thuần nông, xuất phát điểm xây dựng NTM cũng rất thấp, mỗi xã chỉ đạt từ 1 – 10 tiêu chí. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân nên sau 6 năm triển khai chương trình, Hậu Giang đã đạt nhiều thành tựu.
Trước tiên, phải nói tới bộ mặt nông thôn đã đổi mới rõ nét. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… phát triển nhanh.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn 28,17 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,7 lần năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ 5 năm đã giảm 16,57% (giảm từ 22,80% năm 2010, còn 6,23% vào năm 2015). Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Từ thực tế nhiều năm qua, Hậu Giang đã rút ra bài học gì trong việc tuyên truyền để người dân đồng thuận, về đích nhanh hơn?
- Đến thời điểm hiện tại, Hậu Giang đã có 1/8 đơn vị cấp huyện (TX Ngã Bảy) và 17/54 xã (31,48%) đạt chuẩn NTM. Hậu Giang được Chính phủ tuyên dương tại Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc và Hội nghị tổng kết toàn quốc 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015.Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang vinh dự là 1 trong 10 tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và thưởng công trình 30 tỷ đồng.
Từ thực tiễn những năm qua, Hậu Giang đúc kết một số kinh nghiệm xây dựng NTM như sau:
Ngay từ đầu, chúng tôi đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 và Kế hoạch phát động phong trào “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng NTM”.
Trong đó, phân định rõ trách nhiệm cụ thể phần việc nào do chính quyền làm, phần việc nào do người dân tự chủ thực hiện. Cụ thể, Văn phòng điều phối tỉnh tổng hợp, nghiên cứu và đưa ra triển khai rộng rãi "Bản đăng ký hộ gia đình tham gia xây dựng NTM”, với 16 nội dung, nêu rõ phần việc mà gia đình hộ dân phải thực hiện.
Công tác tuyên truyền được chú trọng. Các ngành, các cấp phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến tận người dân để hiểu đúng, hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa chương trình.
Công tác vận động quần chúng được quan tâm. Bắt đầu từ những việc làm, phần việc cụ thể, trong khả năng của người dân như: Con đường đẹp với hàng rào cây xanh; cải tạo vườn tạp gắn với tuyến lộ giao thông nông thôn; mô hình huy động vốn từ mạnh thường quân để hoàn thiện hệ thống giao thông,...
Kế đến là những mô hình kinh tế như cánh đồng lớn, câu lạc bộ thu nhập trên 1 tỷ đồng,... giúp người dân thấy rõ được những lợi ích thiết thực cho bản thân họ và rộng hơn là cho cộng đồng xã hội.
Công tác tuyên truyền, vận động phải đi kèm biểu dương, khen thưởng kịp thời. Phải xây dựng lòng tin với người dân. Các dự án, công trình liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, an sinh xã hội phải làm đúng theo thiết kế, lộ trình, kế hoạch đề ra, công khai, minh bạch.
Sau hơn 5 năm xây dựng NTM, thu nhập của người dân nông thôn Hậu Giang đã tăng 2,7 lần
Trong đó, bài học xuyên suốt đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Các tỉnh ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng, đều gặp khó khăn trong vấn đề làm đường giao thông nông thôn. Tỉnh có cách làm nào để hoàn thành tiêu chí này?
- Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, tiêu chí giao thông được cho là khó thực hiện nhất. Hậu Giang có 54 xã xây dựng NTM, tính đến cuối năm 2015 chỉ có 18/54 xã đạt tiêu chí giao thông.
Để thực hiện và hoàn thiện tiêu chí giao thông trong thời gian tới, Hậu Giang cần phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:
Giải pháp trọng tâm là điều chỉnh lại qui hoạch giao thông nông thôn cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Hiện nay, Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, phần còn lại phải huy động sức dân nhưng cũng không được huy động quá nhiều. Do đó, chúng tôi cần phải điều chỉnh lại qui hoạch cho phù hợp.
Tiếp theo, việc huy động đóng góp rất cần để hoàn thành tiêu chí giao thông. Cần huy động và ưu tiên nhiều nguồn lực khác nhau: Ngân sách Trung ương và địa phương, các mạnh thường quân và các doanh nghiệp.
Đặc biệt, vai trò người dân rất quan trọng. Phải vận động được nhân dân hiến đất làm đường, nhân rộng mô hình Nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, nhân dân đóng góp công sức mới có thể hoàn chỉnh tốt tiêu chí giao thông.
Kế hoạch của tỉnh trong thời gian tới như thế nào? Những vấn đề nào cần tập trung thực hiện để đảm bảo kế hoạch trên, thưa ông?
- Ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020.
Cụ thể, tiếp tục giữ vững và nâng chất 1 đơn vị cấp huyện và các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 – 2015. Phấn đấu thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (dự kiến TP Vị Thanh). Sẽ có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM và các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Để đạt mục tiêu trên, cần tập trung xác định tiềm năng thế mạnh của địa phương, tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 và tính đến 2030.
Phát triển sản xuất phải được chú trọng, mỗi đơn vị phải xây dựng “Đề án sản xuất”. Từng địa phương chọn ra những mô hình cây, con chủ lực phát triển theo chuỗi khép kín đưa khoa học- công nghệ vào. Phấn đấu đến năm 2020, nâng thu nhập cho người dân ở địa phương từ 1,5 – 2 lần so với năm 2015.
Tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm hoàn thiện hơn hệ thống cơ sở hạ tầng. Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án bức xúc phục vụ nhu cầu cấp thiết cho sản xuất và đời sống nhân dân...
Xin cảm ơn ông!
3 giải pháp giảm nợ đọng xây dựng cơ bản Nợ đọng xây dựng NTM đang là câu chuyện thời sự ở nhiều địa phương. Hiện nay, có 53/63 tỉnh, thành có nợ đọng với số tiền 15.277 tỉ đồng. Có tổng số 3.637 xã nợ đọng, chiếm 40,7% số xã xây dựng NTM cả nước. Đã có những bài học từ thực tiễn, tuyệt đối không được nóng vội chạy theo thành tích mà để nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, làm ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng NTM. Theo tôi, thời gian tới, để hạn chế vấn đề nợ đọng cần phải thực hiện những giải pháp sau: - Các địa phương cần có quy hoạch, đề án xây dựng NTM sát với điều kiện cụ thể của địa phương. Trong quá trình lập quy hoạch, đề án cần xin ý kiến người dân. Từ đó, có những bước đi thích hợp, không nóng vội, chạy theo thành tích, cái gì dễ làm trước, khó làm sau; ít nguồn lực làm trước, cần nhiều tiền làm sau. -Không quá tập trung vào các tiêu chí xây dựng cơ bản, chỉ thực hiện khi cân đối được nguồn lực. Ưu tiên thực hiện các biện pháp nâng cao thu nhập cho người dân, đây là tiền đề, là chỗ dựa để triển khai các nội dung, tiêu chí khác của chương trình… -Tuyệt đối không triển khai xây dựng các công trình khi chưa có vốn, chưa xác định rõ nguồn vốn. Đây cũng là vấn đề quan trọng nhất trong nhóm giải pháp nhằm không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng các công trình phát triển hạ tầng NTM. (Ông Trương Cảnh Tuyên) |