Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi
- Thứ sáu - 17/10/2014 12:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thành công của những thanh niên nông thôn không phải có được trong ngày một ngày hai mà là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài, dù trải qua không ít khó khăn như thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Ngoài chịu khó học hỏi, tự tìm tòi, nghiên cứu, thanh niên còn biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, cũng như mạnh dạn đầu tư vốn, sức lực để mở rộng sản xuất kinh doanh. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Ngọc Thức ở xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, trước đây là một tài xế, nhưng đã quyết tâm phát triển mô hình nuôi bồ câu Pháp. Để xây dựng được mô hình, anh phải vay mượn vốn từ nhiều nguồn, cũng như kiên trì vượt qua những thất bại. Từ 400 cặp bồ câu ban đầu, đến nay, anh đã đầu tư và phát triển hiệu quả trại bồ câu Ngọc Điền, với thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn tạo việc làm cho thanh niên địa phương, cũng như sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Đạt được kết quả trên, chủ yếu là nhờ sự nỗ lực của bản thân. Anh Thức cho biết : “ Lúc trước, nghề nuôi bồ câu chưa có nhiều như bây giờ, nên mình phải tự học hỏi, tự mình làm. Khó khăn lúc đầu là mình chưa hiểu biết về những loại bệnh, cách phòng bệnh cho bồ câu như thế nào. Bây giờ, với những đàn chim bồ câu mình chủ động phòng ngừa bệnh trước, nên những loại bệnh mà ngày xưa đàn chim bồ câu của mình mắc phải thì bây giờ hầu như không còn nữa”.
Đặc biệt, với việc trao tặng giải thưởng Lương Định Của hàng năm, nhiều tấm gương thanh niên nông thôn ở mọi miền đất nước đã được vinh danh. Đây là những gương mặt thanh niên tiên tiến, tiêu biểu, không chỉ có đủ tri thức, mà còn sáng tạo, cần cù lao động, ý chí vượt khó và làm kinh tế giỏi. Một trong những tấm gương điển hình là anh Đặng Văn Thanh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, Bến Tre, đã đạt nhiều thành công nhờ trồng kiểng lá. Sau hơn 10 năm phát triển, diện tích vườn của anh đã tăng lên hơn 2 ha, gồm hàng trăm loại kiểng lá đẹp, độc đáo, như: cau vàng; cỏ Pháp; trúc Nhật; đinh lăng; phát tài; trúc bách hợp… Do nhu cầu sử dụng lá để trang trí, kết hoa, cắm hoa nghệ thuật ngày càng tăng, nên sức tiêu thụ sản phẩm rất mạnh. Không chỉ thành lập tổ liên kết sản xuất, liên kết với các hộ ở các địa phương khác để mở rộng việc sản xuất, anh Thanh còn mạnh dạn thành lập doanh nghiệp tư nhân Thanh Lá nghệ thuật chuyên sản xuất và kinh doanh kiểng lá. Mỗi ngày anh xuất ra thị trường từ 1 - 2 tấn kiểng lá các loại, cung cấp cho thị trường trong nước như TPHCM, Huế, Hà Nội. Ngoài ra, anh còn lựa chọn các sản phẩm có chất lượng để xuất sang các nước Nhật, Úc, Trung Quốc … Nhờ vậy, anh có thể kiếm được lợi nhuận đáng kể, với doanh thu trung bình 2 - 3 tỷ đồng/năm. Nói về điểm đặc biệt của mô hình này, anh Thanh chia sẻ : “Hiệu quả kinh tế từ việc kinh doanh lá kiểng rất cao mà vốn đầu tư thì ít. So với cây ăn trái hay các loại khác thì cây lá kiểng rất dễ trồng. Nhưng phải trồng đúng cách, chăm sóc, biết làm chứ không phải trồng mà bỏ đó thì cũng không hiệu quả. Những cây kiểng lá khi nhỏ thì thu hoạch, khi nó lớn, mình giao cho khách làm các công trình”.
Không chỉ sản xuất giỏi, tạo việc làm cho bà con nông dân, anh Thanh còn hăng hái, tích cực tham gia hoạt động xã hội, như giúp đỡ đoàn viên, thanh niên, gia đình chính sách, tặng học bổng cho học sinh khó khăn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống cho nông dân nghèo, cũng như hỗ trợ xây nhà tình thương, xây cầu, làm đường ở địa phương …
Cũng đạt nhiều thành công trong quá trình sản xuất là anh Huỳnh Chí Công, nông dân ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. Trong những năm qua, anh đã phát triển hiệu quả mô hình nuôi động vật hoang dã gồm: rắn ráo trâu; kỳ đà; rùa; chim trĩ đỏ … Từng đạt giải thưởng Lương Định Của năm 2011, anh Công đã cố gắng vượt qua khó khăn để quyết tâm làm giàu trên chính quê hương. Bước đầu anh cũng gặp không ít thất bại do thiếu kinh nghiệm. Được Hội Liên hiệp Thanh niên xã giới thiệu cho vay vốn, anh tiếp tục đầu tư, mua con giống để phát triển lại mô hình. Đồng thời, tích cực học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp chăn nuôi nên việc sản xuất ngày càng thuận lợi, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh chỉ tập trung phát triển hai loại rùa và kỳ đà. Ngoài ra, anh còn mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để sau này phát triển thêm mô hình chăn nuôi bò sữa. Từng tham gia hoạt động đoàn, nên anh luôn mong muốn hỗ trợ thanh niên có thể làm ăn hiệu quả. Đồng thời, anh còn chia sẻ kinh nghiệm, định hướng những mô hình sản xuất phù hợp cho thanh niên và bà con nông dân. Anh Công giải thích : “Mình chăn nuôi những ngành nghề này chủ yếu là muốn lôi kéo những sản phẩm hiệu quả về để triển khai cho bà con mình nuôi có hiệu quả hơn. Trong quá trình mình nuôi, mình kinh doanh, mình mới nhận biết ra những sản phẩm nào ổn định, lúc đó mình mới triển khai đúng cho bà con. Và đồng thời, hướng cho thanh niên, các bạn trẻ tới cái nghề nông nghiệp nông thôn của mình, để các bạn lập nghiệp được hiệu quả hơn” .
Có thể thấy với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, nhiều thanh niên nông thôn đã gặt hái những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển sản xuất. Nhờ vậy, có thể vượt khó thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của giới trẻ, cũng như góp phần nâng cao vị trí, vai trò của thanh niên nông thôn. Tuy nhiên, các cấp, các ngành cũng cần quan tâm, tạo điều kiện cho lực lượng thanh niên tham gia sản xuất, như tăng cường hỗ trợ vốn, tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… giúp thanh niên có thể tự tin lập thân, lập nghiệp.
Trúc Mai
Theo voh.com.vn