Thành quả từ nông thôn mới
- Thứ năm - 06/02/2014 19:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng chí Trương Công Ngàn. |
+ Dù người nông dân có thể vẫn chân lấm tay bùn nhưng trong suy nghĩ của bà con giờ không chỉ là ăn no, mặc ấm mà phải là ăn ngon, mặc đẹp. Thực tiễn phát triển của đời sống cho thấy ngày nay nếu chỉ tự cung, tự cấp thì sẽ nghèo, vì vậy phải biết tạo ra nhu cầu và thoả mãn nhu cầu cho xã hội, nghĩa là mình phải sản xuất ra hàng hoá để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội, để tạo ra giá trị lợi ích về kinh tế lớn hơn cho chính bản thân mình. Và nhà nước lúc này phải có cơ chế chính sách để tạo hành lang pháp lý phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân. Đây chính là lý do vì sao cả nước cùng đang thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và Quảng Ninh quyết tâm về đích trước cả nước 5 năm cũng vì thế.
Nhìn từ thực tiễn của tỉnh cho thấy, 3 năm trước đây nông nghiệp và nông thôn Quảng Ninh phát triển trong tình hình luôn không ổn định, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp bị thay đổi do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh. Sản xuất nông nghiệp phát triển chênh lệch ở các vùng miền, kém bền vững, sản phẩm có sức cạnh tranh thấp. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn ít được quan tâm, nhiều nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mặc dù đã được chú trọng đầu tư song chưa đồng bộ, thiếu tính chiến lược. Đầu tư chủ yếu là từ nguồn ngân sách nhà nước, nhân dân chưa thực sự tham gia với vai trò chủ thể, xã hội hoá còn ít. Nông dân chiếm tới 50% dân số toàn tỉnh, lao động trong độ tuổi (ở địa bàn nông thôn) chiếm tỷ lệ cao nhưng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng xa trung tâm…
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, chúng ta hoạch định chiến lược, kế hoạch thực hiện, mục tiêu phấn đấu rất cụ thể để có thể khắc phục được tất cả những hạn chế trên, để nông thôn Quảng Ninh chính là nền tảng, là điểm tựa vững chắc cho tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và dần tiến tới tỉnh dịch vụ - công nghiệp. Theo đó nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của quá trình phát triển, 82/125 xã sẽ cơ bản đạt tiêu chí xã NTM với sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng, sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất, thu nhập của người nông dân gấp 1,5-2 lần năm 2010 của khu vực nông thôn.
- Cơ chế chính sách chính là động lực, cú huých cho sự phát triển, Nghị quyết 01 ra đời là động lực lớn nhất để thay đổi toàn diện, căn bản nông thôn Quảng Ninh. Vậy những cơ chế chính sách tạo cú huých đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua?
+ Dù rằng xây dựng NTM phải từ sự tham gia của người dân, nhưng mồi nhử vẫn phải là từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn lực địa phương và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình khác thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM, 23.760 tỷ đồng là tổng số kinh phí đã dành cho NTM trong 3 năm qua. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên quyết định hỗ trợ lãi suất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và cũng là tỉnh duy nhất có Quy định hỗ trợ vật liệu xây dựng đầu tư một số công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ Chương trình Xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015, có Quy chế khen thưởng phong trào thi đua xây dựng “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá”. Tất nhiên, cơ chế chính sách mới phải có sự trải nghiệm, để từ đó đúc rút kinh nghiệm vừa làm vừa hoàn thiện nhưng chắc chắn rằng tất cả các cơ chế chính sách đã ban hành đều thực sự đáp ứng mong mỏi của người dân, là cái mà người dân cần.
Với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thôn Làng Cổng (xã Đồn Đạc, Ba Chẽ) đã góp thêm tiền và ngày công để làm đường bê tông vào thôn. |
- Giờ đến bất kể thôn, xã nào cũng đều thấy nói chuyện xây dựng NTM và thành quả của NTM cũng đã hiện hữu từng ngày ở những vùng quê nhưng dường như nông thôn Quảng Ninh vẫn đang thiếu một cái gì đó?
+ Tôi cho rằng không phải là cái thiếu mà là cái chưa toàn diện và chưa hoàn thiện về môi trường, về cán bộ, về hạ tầng...
Bởi nhìn lại thời gian 3 năm qua thấy, thi đua “Chung sức xây dựng NTM” ở Quảng Ninh đã được đẩy mạnh thành cao trào, thể hiện qua 5 chương trình cụ thể. Đó là, “Quân đội chung sức xây dựng NTM” là biểu hiện cụ thể, sinh động của mối tình quân dân; “Thành thị giúp đỡ nông thôn” bằng những công trình cụ thể đã tiếp thêm sức mạnh xây dựng NTM, là hành động cụ thể để miền núi gần hơn với miền xuôi, nông thôn gần hơn với thành thị; “Công nông liên minh trong xây dựng NTM” đẩy mạnh liên kết đầu tư trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng nông sản, tạo đầu ra ổn định thông qua ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các bên; “Nông dân tự lực sáng tạo trong xây dựng NTM” đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo vươn lên trong lao động, đồng thời phát động nhân dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh; “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng NTM” được thực hiện thông qua việc hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, cam kết bán vật liệu theo phương thức trả chậm, giảm giá bán 10%, hỗ trợ trực tiếp các công trình hạ tầng nông thôn theo phương thức “Chìa khoá trao tay”. Thành quả của NTM Quảng Ninh là nông nghiệp, nông thôn phát triển theo Quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân, kinh tế và tổ chức sản xuất được đổi mới, cải thiện, văn hoá, xã hội, môi trường có chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội được giữ vững… Tất cả những cái mà chúng ta đạt được này chính là nền tảng cho một nông thôn Quảng Ninh phát triển bền vững.
- Được biết trong thời gian 2 năm tới toàn tỉnh phải phấn đấu có thêm 48 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM. Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn rất khó khăn, vậy cách nào để các xã này cán đích?
+ Hiện nay 48 xã này đã đạt từ 8-14 tiêu chí (trung bình 10 tiêu chí/xã), 19-27 chỉ tiêu (trung bình 25 chỉ tiêu/xã), những chỉ tiêu còn thiếu là: Nhà văn hoá xã, vệ sinh môi trường, trường học đạt chuẩn và đường giao thông nội đồng... đây là những tiêu chí cần nhiều kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước. Mặc dù, kinh tế khó khăn nhưng không thay đổi mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, chỉ thay đổi phương pháp tổ chức thực hiện, điều hành chương trình, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Vì vậy, trong chỉ đạo phải chủ động, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, nhanh chóng loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, xác định đây là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân và người nông dân thực sự là chủ thể xây dựng NTM. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy thành thị dẫn dắt nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào khu vực nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí NTM theo lộ trình đã được phê duyệt. Ưu tiên cân đối nguồn lực từ ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình trên cơ sở cân đối chung toàn tỉnh.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Hương Lan (Thực hiện)
Nguồn: baoquangninh.com.vn