Thành quả xứng đáng
- Thứ hai - 16/03/2015 03:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Vinh (ảnh), Chủ tịch UBND huyện. Phát huy truyền thống anh hùng Thưa ông, ngày 19/3 huyện Hải Lăng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương (19/3/1975- 19/3/2015). Đề nghị ông cho biết ý nghĩa của sự kiện trọng đại này và một số nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể trong năm 2015? Giải phóng huyện Hải Lăng vào ngày 19/3 của 40 năm trước là cột mốc có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng, đã cắt đứt một mắt xích trong tuyến phòng vệ tại miền Trung của chính quyền miền Nam, tạo nên sự sụp đổ dây chuyền từ Quảng Trị vào Huế và các tỉnh miền Trung và phía Nam. Giải phóng Hải Lăng, cùng các chiến dịch khác của quân dân cả nước đã góp phần đẩy nhanh cuộc Tổng tấn công mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975. Phát huy truyền thống cách mạng, trên ý nghĩa quan trọng ấy, nên năm 2015 có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện Hải Lăng. Dịp này, huyện Hải Lăng được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là thành quả xứng đáng cho quá trình phấn đấu không ngừng suốt 40 năm qua của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Kỷ niệm 40 năm giải phóng nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường và những thành tựu KT-XH của Hải Lăng 40 năm qua. Từ đó khơi dậy niềm tự hào, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương Hải Lăng ngày càng giàu đẹp hơn, cuộc sống người dân luôn được cải thiện đáng kể về vật chất và tinh thần. Do đó, ngay từ cuối năm trước, UBND huyện Hải Lăng đã xây dựng nhiều chỉ tiêu, kế hoạch quan trọng cho năm 2015. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12-13%. Trong đó, nông - lâm - ngư 5-6%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 19-20%; thương mại - dịch vụ 13-14%. Cơ cấu giá trị SX các ngành kinh tế: nông - lâm - ngư 35-36%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 32-33%, thương mại - dịch vụ 31-32%. Thu nhập bình quân đầu người hơn 28 triệu đồng (năm 2014 đạt hơn 25 triệu đồng). Giá trị SXNN/ha đất canh tác đạt hơn 70 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 349 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn 25 tỷ đồng... Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu SXNN giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở lựa chọn danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực năm 2015, định hướng đến năm 2020 và các mô hình SXNN để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhằm tạo ra giá trị SX hàng hóa lớn, hình thành các vùng SX tập trung, các sản phẩm đặc trưng của huyện, cánh đồng mẫu lớn. Tiếp tục thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, khai thác có hiệu quả các tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị SXNN. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng vừa đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi thâm canh theo hướng công nghiệp, vận động tăng diện tích trồng rừng FSC (theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng quốc tế). Phấn đấu sản lượng hải sản đạt trên 3.200 tấn. Chuyển đổi diện tích đất hoang hoá, đất SX kém hiệu quả sang nuôi cá kết hợp nuôi lợn trên diện tích 500 ha, nhân rộng mô hình nuôi cá lồng, cá chình lồng... Tổ chức thực hiện tốt công tác chuyển đổi hoạt động các HTX theo Luật HTX năm 2012. Xây dựng HTX nông nghiệp điển hình tiên tiến, cố gắng đến cuối năm 2015 có 5 HTX được công nhận HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh. "Kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng NTM ở Hải Lăng đó là có cơ chế, mô hình tổ chức, chỉ đạo phù hợp để huy động có hiệu quả sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Có sự phân công trách nhiệm một cách cụ thể, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót. Đồng thời tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả công việc của các tổ chức, cá nhân được phân công. Coi trọng chất lượng công tác lập đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM làm cơ sở để triển khai thực hiện các mục tiêu dài hạn và hằng năm. Kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để khơi dậy nguồn lực tại chỗ của nhân dân và các nguồn vốn ngoài ngân sách", ông Hoàng Văn Vinh. Triển khai thực hiện các dự án quy hoạch phát triển đô thị, dân cư, công nghiệp, dịch vụ, du lịch như: quy hoạch chi tiết Khu dịch vụ - du lịch biển Hải Khê, La Vang, Khu đô thị Đông Nam thị trấn, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm thị trấn Hải Lăng... Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các DN đầu tư vào địa bàn, tham gia liên kết SXNN. Nông nghiệp là trọng điểm Một nội dung quan trọng rất được huyện quan tâm là thực hiện cuộc vận động Chương trình MTQG xây dựng NTM. Sau gần 4 năm triển khai, xin ông cho biết những đổi thay đáng kể này? Nội dung nổi bật nhất trong cuộc vận động xây dựng NTM ở Hải Lăng đó là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Huyện uỷ đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM huyện do đồng chí Bí thư Huyện uỷ làm Trưởng ban. Từ đó, BCĐ huyện đã ban hành quy chế và kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ. Ban Thường vụ Huyện uỷ cũng đã thành lập 19 tổ chỉ đạo xã xây dựng NTM do các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ làm tổ trưởng. Bên cạnh đó, UBND huyện đã ban hành chương trình công tác trọng tâm về xây dựng NTM, thành lập Văn phòng Điều phối xây dựng NTM huyện. Chỉ đạo các xã thành lập BCĐ cấp xã do Bí thư Đảng uỷ xã làm Trưởng ban, thực hiện kiện toàn BQL cấp xã, Ban phát triển thôn và cử 1 cán bộ địa chính - nông nghiệp làm chuyên trách NTM xã. Điểm nhấn quan trọng trong xây dựng NTM của huyện Hải Lăng là việc phát động thực hiện chủ đề “Chỉnh trang nông thôn” với 6 nội dung cụ thể gồm: Phát quang, hiến đất, mở rộng nền đường; thắp sáng đường quê; cải tạo vườn tạp; chỉnh trang nhà cửa; chỉnh trang hàng rào, cổng; xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi... thu hút sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình thực hiện, huyện đã vận động được hơn 650 hộ tự nguyện hiến 127 ngàn m2 đất. Chương trình thắp sáng đường quê đã có 78/95 thôn của 19 xã thực hiện, đạt trên 82%, với tổng chiều dài đường dây là 111 km, 3.771 bóng điện các loại, tổng trị giá đầu tư ước khoảng 1,5 tỷ đồng. Trồng ném trên cát trắng, một mô hình sáng tạo trong SXNN ở Hải Lăng Phong trào cải tạo vườn tạp đã thu hút đông đảo người dân tham gia, đến nay đã có trên 2.000 hộ dân của 19 xã thực hiện với các hoạt động như: dọn vườn, loại bỏ cây tạp, trồng mới các loại cây có giá trị kinh tế, ước tính trị giá hàng trăm triệu đồng. Có 1.875 hộ thực hiện sửa sang tường rào, cổng, ước tổng kinh phí thực hiện khoảng 15 tỷ đồng... Xác định nông nghiệp là mặt trận trọng điểm trong nền kinh tế, huyện Hải Lăng ưu tiên mục tiêu tập trung thử nghiệm, nhân rộng, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế cao, tạo ra giá trị SX hàng hoá lớn. Hình thành các vùng SX chuyên canh, tập trung quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định mà địa phương có lợi thế. Cụ thể, huyện tiếp tục chỉ đạo và nhân rộng các mô hình đã được khẳng định như nuôi bò lai, lợn nái ngoại, nái F1, cam K4, lúa đặc sản, rau củ quả SX trái vụ, cá nước ngọt... Nhờ có sự lựa chọn đúng và triển khai các giải pháp phù hợp, phát huy có hiệu quả nhân tố khoa học công nghệ trong SX, huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn... nên sau gần 4 năm xây dựng NTM huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Bình quân các xã trên địa bàn huyện Hải Lăng đã đạt được 10/19 tiêu chí, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Đặc biệt, xã đạt tiêu chí thấp nhất cũng đạt được 8/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều sự đổi thay đáng kể, đời sống người dân được cải thiện. Xin cảm ơn ông!.
NongNghiep.vn