Tháo gỡ để cho vay nông nghiệp sạch
- Chủ nhật - 10/12/2017 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuần qua, NHNN Việt Nam đã tổ chức đoàn công tác liên ngành tới TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang để khảo sát về tình hình cho vay sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch (NNCNC).
Thực ra việc các đoàn công tác đi “thị sát” là hết sức bình thường ở bất kỳ lĩnh vực cho vay nào, nhưng trong giai đoạn này cho vay NNCNC đang được quan tâm hơn cả. Các cơ quan hoạch định chính sách rất cần “mục sở thị”, bám sát thực tế hơn để có thể xây dựng, điều chỉnh chính sách khi thấy không hợp lý và cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan với địa phương nhằm đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Ảnh minh họa |
Từ sự chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản triển khai khá nhanh như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 738 quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Đồng thời, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình.
Đến nay, sau gần 6 tháng triển khai chương trình đã đạt kết quả tích cực. Dư nợ đầu tư của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng cho gần 6.400 khách hàng. Vốn ngân hàng chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3 - 6,5%/năm, cho vay trung, dài hạn khoảng 8,5 - 10%/năm. Các NHTM xác định đầu tư cho NNCNC là hướng đi tất yếu, nhưng trong quá trình triển khai chương trình họ gặp nhiều vướng mắc.
Vốn đầu tư của người dân, DN vào xây dựng nhà lưới, nhà kính, trang thiết bị cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay các tài sản này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay vốn ngân hàng. Hay tiêu chí để xác định dự án thuộc NNCNC khá chung chung, có nhiều công nghệ mới chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật trong mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp… khiến ngân hàng thiếu cơ sở để thẩm định cho vay nên vốn tín dụng cho NNCNC chưa tăng như kỳ vọng
Đơn cử, Kiên Giang - tỉnh có diện tích đất nông nghiệp khá lớn và nhiều tiềm năng cho sự phát triển. Hiện trên địa bàn tỉnh có 28 khách hàng vay vốn chương trình NNCNC, chiếm 27,8% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn và chiếm 0,14% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Con số này là khá thấp khi Kiên Giang là tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp với diện tích tự nhiên 6.346 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 90,7% (575.697 ha).
Theo NHNN chi nhánh Kiên Giang thì phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghệp hiện nay đã và đang được UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Các chính sách cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được theo dõi chỉ đạo sâu sát, trong đó chi nhánh NHNN luôn có chỉ đạo TCTD cho vay phát triển NNCNC. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang mới có một vùng NNCNC Trung Sơn. Như vậy, từ những chuyến khảo sát để làm sao các đơn vị chức năng của liên bộ cùng nhau tháo gỡ khó khăn, giúp cho lĩnh vực NNCNC phát triển hơn nữa trong thời gian tới là điều mà NHNN đang hướng đến.
Chí Kiên
http://thoibaonganhang.vn