Tháo gỡ rào cản - mở rộng thị trường
- Thứ hai - 05/01/2015 20:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhận định của ông về những thuận lợi và thách thức năm 2015?
Năm 2014, ngành thủy sản đã có nhiều chính sách thiết thực như Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản… tạo điều kiện cho năm 2015 phát huy tác dụng.
Năm 2015, chúng ta tuyệt đối không vì kết quả thắng lợi của ngành năm 2014 mà chủ quan. Thủy sản cần tiếp tục tháo gỡ thị trường; kiểm soát dịch bệnh trên tôm nuôi, dịch bệnh nuôi; kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào để thủy sản đảm bảo chất lượng An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng như xuất khẩu. Đặc biệt là sản phẩm tôm và cá tra đạt chất lượng yêu cầu các nước xuất khẩu. Trong chỉ đạo điều hành, Bộ sẽ bám sát thực tiễn cơ sở, tháo gỡ những vướng mắc; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thời gian tới, các thị trường có thể sẽ được mở ra thêm, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần kiên định giữ vững uy tín với thị trường, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi.
Khi các Hiệp định thương mại được ký kết thì đâu là yêu cầu đặt ra với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thưa ông?
Hiệp định thương mại mở ra là thuận lợi cũng như thách thức lớn. Chúng ta phải cạnh tranh về giá cả, phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật, đặc biệt VSATTP… Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp thì vai trò của Nhà nước, các tổ chức hội, hiệp hội cũng góp phần quan trọng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp; Mặt khác giúp cho doanh nghiệp, người sản xuất hiểu được các yêu cầu của thị trường để làm sao sản xuất được những sản phẩm chất lượng, đáp ứng xuất khẩu.
Về tình hình dịch bệnh trên thủy sản, năm tới sẽ kiểm soát như thế nào, thưa ông?
Quan trọng trong nuôi trồng thủy sản là vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Năm qua, điểm nhấn của ngành là sản lượng tôm tăng nhanh chóng. Điều này khẳng định việc kiểm soát tốt được dịch bệnh. Bên cạnh đó, trong năm tới cần tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc sử dụng vật tư đầu vào với nhà sản xuất nhỏ lẻ chưa được kiểm soát tốt. Trong thời gian tới, cần tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật, quy trình nuôi tiên tiến, nâng cao ý thức của người dân.
Vừa qua, tại một số thị trường phát hiện kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm thủy sản Việt Nam. Bộ đã tính đến biện pháp xử lý triệt để tình trạng này?
Việt Nam cũng như các nước khác đều áp dụng biện pháp xuất khẩu, tăng cường kiểm soát chất lượng đến các thị trường nhập khẩu, bởi yêu cầu, tiêu chí về sản phẩm của nhà nhập khẩu là khác nhau.
Đối với những doanh nghiệp có lô hàng bị trả về do nhiễm chất cấm, chúng ta có những biện pháp tăng cường kiểm soát, làm quyết liệt, phân loại, tăng cường biện pháp kiểm tra; có biện pháp mạnh đối với việc tái vi phạm. Năm 2015, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công thương, Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có chương trình hành động phối hợp cùng nhau ngoài tăng cường thanh tra của Nhà nước; phát động quần chúng tố giác cũng như phát hiện các cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng vật tư đầu vào trái với quy định sản xuất.
Theo ông, vấn đề thị trường, giải pháp cho 2015 sẽ là gì?
Bộ NN&PTNT và ngành đều có giải pháp nhất là đối với mở rộng thị trường, cần tập trung vào thị trường truyền thồng, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đấu tranh rào cản bất công… Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng tiềm năng cũng được đẩy mạnh.
Ngành thủy sản có tự tin đạt được mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD năm 2015, thưa ông?
Chúng ta đã có kinh nghiệm, thủy sản là một trong ngành hàng đi đầu của nông nghiệp nói chung. Hệ thống các nhà máy chế biến, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản rất có kinh nghiệm, điều kiện tiếp cận thị trường. Tuy nhiên cũng cần khắc phục sớm với vấn đề đặt ra: rào cản thị trường, sản phẩm nhiễm kháng sinh…