Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội - Phan Xuân Dũng - cho biết: Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành các nội dung nêu trong Tờ trình số 80/TTr-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa yêu cầu về: Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền.
Về quản lý thức ăn chăn nuôi, đa số ý kiến thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với việc cần phải quản lý thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định về kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu để tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho DN; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh sửa quy định về quản lý, về điều kiện của cơ sở sản xuất, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Việc sử dụng chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để trị bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi phải tuân theo quy định của pháp luật về thú y. Tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, do đó, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với các nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh quy định tại Điều 34 của dự thảo luật. Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình cơ sở khoa học của quy định chỉ sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; đồng thời chỉnh sửa các quy định về nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh cho rõ ràng, khả thi hơn.
Ông Phan Xuân Dũng báo cáo trước Quốc hội |
Về quản lý hoạt động chăn nuôi, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, các quy định về hoạt động chăn nuôi trong dự thảo luật cần tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến và hạn chế dần việc chăn nuôi nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Để đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, hạn chế tác động của dịch bệnh thì việc quản lý điều kiện cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm giống vật nuôi là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất, kinh doanh tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng (Điều 38 và Điều 39) cho phù hợp hơn với từng đối tượng vật nuôi, quy mô vật nuôi, mật độ chăn nuôi và địa điểm chăn nuôi.
Cần làm tốt hơn công tác dự báo Dự án Luật Chăn nuôi trình Quốc hội chưa bao hàm những vấn đề căn cơ giải quyết về phát triển chăn nuôi. Dự báo là yếu tố rất quan trọng, là điều kiện cho các nhà quản lý cũng như công tác hoạch định chính sách sát với thực tế tốt hơn. Phải quan tâm đến môi trường làm sao tạo thuận lợi cho người chăn nuôi, doanh nghiệp cũng như đáp ứng được những yêu cầu của thị trường. |
Đối với quy định về việc đăng ký, kê khai chăn nuôi, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và cần quy định phù hợp với từng loại hình, đối tượng chăn nuôi, số lượng vật nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ ở khu vực vùng sâu, vùng xa và đối tượng nuôi di động; quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi đăng ký, kê khai chăn nuôi tại Điều 52 và Điều 53 dự thảo luật....
Ủy ban KH,CN&MT cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nêu trên và rà soát, cân nhắc các quy định tại Mục 2 “Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi” để quản lý hoạt động chăn nuôi đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tế, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính.
Quan tâm đến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Về cơ chế chính sách cần phải quan tâm đặc biệt đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi đảm bảo các hộ chăn nuôi phát triển sẽ góp phần đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Trong thời gian gần đây, giá lợn tăng nhưng chỉ các DN có tiềm lực được hưởng lợi còn số người chăn nuôi nhỏ lẻ được hưởng lợi không nhiều. Vì vậy, về cơ chế chính sách nhất là vốn tín dụng ưu đãi cần tập trung để hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn trở lại. |
Cơ bản nhất trí với việc phải có các quy định về quản lý môi trường, chất thải trong chăn nuôi như tại Mục 3, Chương IV dự thảo luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung các quy định sau đây trong dự thảo luật: Khoảng cách xây dựng cơ sở chăn nuôi (khoản 2, Điều 44) để đảm bảo an toàn dịch bệnh và tính khả thi của quy định này trong thực tế; sử dụng chất thải chăn nuôi như một nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ và là một giải pháp giảm bớt chi phí cho chăn nuôi; Quy định quản lý chất thải chăn nuôi nông hộ cho phù hợp hơn với từng đối tượng vật nuôi...
Dự thảo luật gồm 8 chương, 65 điều, nội dung dự thảo luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về chăn nuôi. Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban KH,CN&MT nhất trí cho rằng, Dự án Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.