Thảo luận về kinh tế-xã hội sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm

(Chinhphu.vn) – Quốc hội đã dành 2 ngày (30 và 31/10) để thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước. Đã có 95 đại biểu Quốc hội phát biểu, 5 đại biểu tham gia tranh luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm

Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia phát biểu làm rõ một số vấn đề có liên quan.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. 

Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được

Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, coi đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm năm 2016 - 2020.


Tăng trưởng kinh tế ước đạt và có thể cao hơn mức ước thực hiện của Chính phủ là 6,8%. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô xét trên các mặt như kiểm soát lạm phát, nợ công, cán cân xuất nhập khẩu và lao động việc làm đều có kết quả khả quan, làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách vượt dự toán là 3,3%. Chi cho đầu tư phát triển đạt tỷ trọng 26,6% tổng chi ngân sách nhà nước. Đảm bảo chi cho giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, kỷ cương. Kỷ luật tài chính được tăng cường.

Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm bội chi ngân sách nhà nước và giảm tỷ lệ nợ công trên GDP, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo, hoạt động đối ngoại có nhiều kết quả tích cực.

Công tác xây dựng chính quyền, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội có nhiều chuyển biến. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được nâng lên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị đánh giá thêm về tính bền vững và chất lượng tăng trưởng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng có chuyển biến song chưa rõ nét, chưa đi vào những khâu, những lĩnh vực mang tính cốt lõi. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và xử lý các hạn chế yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất là các đại dự án thua lỗ còn chậm. Quản lý hoạt động đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần tăng cường. Doanh nghiệp tư nhân phát triển khá nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đất đai và các chính sách ưu đãi. Liên kết vùng, liên kết kinh tế, liên kết sản phẩm còn hạn chế.

Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất chậm, thiếu đồng bộ. Việc triển khai các công trình quan trọng quốc gia chưa đạt tiến độ đặt ra. Hạ tầng giao thông ở các vùng, miền, hạ tầng đô thị, hạ tầng truyền tải, phân phối điện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây vẫn là những nút thắt của nền kinh tế. Hoạt động dịch vụ du lịch chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh, việc quản lý và đầu tư cho lĩnh vực du lịch chưa mạnh mẽ.V

Vấn đề quản lý đất đai và tình trạng đầu cơ đất đai. Thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp thông tin về thị trường, thời vụ cho người nông dân còn nhiều bất cập. Chính sách hỗ trợ đóng tàu, đánh bắt cá xa bờ chưa phát huy được hiệu quả, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân tham gia chương trình. Các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí; phòng chống thiên tai, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, chống xâm ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt chưa thật hiệu quả. An ninh nguồn nước đang đặt ra các yêu cầu cấp bách.

Tình trạng cháy rừng, phá rừng vẫn diễn ra phức tạp. Công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới còn có mặt chưa thật tốt. Đời sống một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều vấn đề xã hội nảy sinh chưa được giải quyết một cách căn bản.

Các đại biểu Quốc hội đều quan tâm đến vấn đề Biển Đông và cho rằng tình hình diễn biến phức tạp, trong đó có việc tàu khảo sát HD8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước phù hợp với truyền thống hòa hiếu của cha ông trong dựng nước và giữ nước.

Thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 là tích cực

Về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 là tích cực. Có một số chuyển biến góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước. Truy thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, nhưng thu của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI và ngoài nhà nước chưa đạt được dự toán, tăng thu chủ yếu từ các nguồn khác.

Việc sửa đổi chính sách thu chưa thực sự kịp thời, có những khó khăn nhất định. Kỷ luật công vụ, kỷ luật tài chính ngân sách còn hạn chế. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, khoán kinh phí ở một số lĩnh vực dịch vụ công chưa thật tích cực. Việc tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển còn có mặt hạn chế. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chuyển nguồn ngày một lớn đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công.

Các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển và quản lý đô thị, vấn đề áp dụng công nghệ số, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Vấn đề cải cách hành chính, cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các đại biểu đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, tinh giản bộ máy và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tăng cường phân cấp cho địa phương.

Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương cần tích cực khắc phục những tồn tại, bất cập, yếu kém trong thời gian tới.

Thống nhất, tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ

Đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và thống nhất cho rằng năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nên có ý nghĩa rất quan trọng.

Năm 2020, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn, thách thức tác động đến nền kinh tế. Đó là sức mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, độ mở lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều trở ngại.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chuyển biến chậm. Việc áp dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin trong nền kinh tế số còn có mặt hạn chế. Biến đổi khí hậu và thiên tai, tác động xấu của ô nhiễm môi trường tiếp tục là những thách thức đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với những mục tiêu tổng quát, các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 như là Báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,8% là khó khăn trong tình hình hiện nay, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần đề ra mức độ tăng trưởng cao hơn. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ bám sát Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính, ngân sách quốc gia 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng bền vững. Cần làm rõ bối cảnh, thách thức và có những giải pháp khắc phục, các thách thức có thể tác động đến tăng trưởng như là chiến tranh thương mại, an ninh phi truyền thống, tình hình diễn biến ở Biển Đông, biến đổi khí hậu và cần làm rõ căn cứ xác định các chỉ tiêu cụ thể về tăng trưởng GDP, nhập siêu, lao động và việc làm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cùng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Tăng cường công tác xây dựng chính quyền và đổi mới hoạt động tư pháp.

Về các giải pháp thực hiện để hoàn thành kế hoạch năm 2019 và 2020. Nhiều đại biểu thống nhất với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như những tháng còn lại của năm 2019 và kế hoạch năm 2020 như Báo cáo của Chính phủ.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp sáng kiến để có thể thực hiện nhiệm vụ năm 2020, đồng thời đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tích cực xử lý các vướng mắc, hạn chế trong năm 2019, nhất là các vấn đề có liên quan đến chiến tranh thương mại, quan hệ kinh tế với một số nền kinh tế lớn, việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, kiên quyết chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển giá, thao túng thị trường cạnh tranh không lành mạnh.

Thực hiện tốt nguyên tắc phát triển bền vững kết hợp kinh tế - xã hội và môi trường. Cần quan tâm các biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020 gắn với việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị đưa đất nước và một giai đoạn phát triển mới trong thập kỷ tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua”.

 

                                                                                 Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn