Thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
- Thứ sáu - 27/07/2018 19:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại hội nghị “Phân bón và Thuốc vào vệ thực vật” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 27/7, tại Hà Nội, các nhà quản lý, các chuyên gia và đại biểu tham dự đều nhất trí cao rằng cần thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để hướng tới phát triển một nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết, hiện, cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ đáp ứng được gần 80% nhu cầu tổng phân bón cả nước. Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, hiện, cả nước có trên 200 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật, gần 100 nhà máy chế biến thuốc cùng với khoảng 30.000 đại lý thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Trong số 4.000 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chỉ có 19% thuốc sinh học còn lại là thuốc hóa học; phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% tổng nhu cầu hàng năm. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương. Thị trường còn phức tạp, hàng giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ đang làm méo mó thị trường. Các Nghị định và Thông tư của nhà nước còn một số hạn chế, chưa theo kịp diễn biến của thị trường gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong vịêc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hiện nay là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, vấn đề không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn là chất lượng của nông sản phẩm. Hơn nữa, nó còn liên quan đến vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường vì hầu hết phân vô cơ (trừ đạm) đều được sản xuất từ các nguyên liệu hoá thạch, không tái tạo.
Sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón ở Việt Nam vẫn còn các tồn tại, nhiều thách thức mới phát sinh trong quá trình hướng đến phát triển sản xuất bền vững, sản xuất sạch an toàn trước diễn biến của biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, đơn vị chức năng cần tăng cường năng lực và đổi mới phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khuyến cáo sử dụng phân bón. Quản lý, kiểm soát kinh doanh cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân được sử dụng những sản phẩm tốt và hiệu quả.
Tuy nhiên, ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức bởi đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Trong số 4.000 sản phẩm thuốc bảo vật thực vật, chỉ có 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hoá học; phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% tổng nhu cầu hàng ngày. Trong khi đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang diễn ra ở nhiều đia phương. Thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn phức tạp, hàng giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ đang làm méo mó thị trường.
Bởi thế, để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, cần nghiên cứu và áp dụng các loại phân bón phù hợp, phân bón mới, phân bón chức năng (như áp dụng công nghệ nano; phân bón nhả chậm…). Nghiên cứu quy trình phân bón hợp lý, cân đối và quản lý dinh dưỡng tổng hợp; hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón 5 đúng và 1 cần. thường xuyên đào tạo và tập huấn cho nông dân. Bên cạnh đó là khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn phân bón hữu cơ.
Với thuốc bảo vệ thực vật, cần nghiên cứu và áp dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị cho từng loại đối tượng gây hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và thảo mộc để hạn chế tác hại của thuốc đến môi trường, cây trồng, sinh vật và con người. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Nông dân cần thăm đồng và đánh giá thường xuyên mức độ gây hại của các đối tượng gây hại để có các biện pháp kịp thời để phòng ngừa và ngăn chặn dịch lây lan. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chú trọng việc áp dụng nguyên tắc “4 đúng”… từ đó hạn chế mức thấp nhất việc dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Hay theo TS Bùi Huy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp bao gồm: Các biện pháp và kế hoạch sử dụng phân bón hợp lý; bón phân cân đối và thích hợp (phân hữu cơ- phân vô cơ, các dinh dưỡng đa, trung và vi lượng); sử dụng phân chuồng, phế phụ phẩm hữu cơ… mang tính hệ thống. Song song, hướng dẫn lựa chọn phân bón đúng chất lượng, phù hợp với độ phì nhiêu của mỗi loại đất và các loại/ kiểu sử dụng đất có tầm quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái./.