Thấy được lợi ích lớn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiến đất

Thấy được lợi ích lớn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiến đất
Buôn Dành B là một trong những buôn khó khăn của xã Ea Bia (Sông Hinh - Phú Yên), dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính dựa vào cây mì (sắn), mía, đời sống còn nhiều khó khăn. Mong ước có một nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng để hội họp luôn là sự trăn trở của người dân trong buôn.

Trước thực tế đó, Ea Bia có chủ trương chọn một địa điểm ở trung tâm buôn để xây dựng nhà văn hóa, nhưng băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo xã là chưa có mặt bằng. Nhận thấy ý nghĩa của việc có nhà văn hóa, đầu năm 2014, mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Ma Trang đã hiến hơn 700m2 đất giúp buôn có mặt bằng xây dựng nhà văn hóa đúng quy cách, có sân chơi và công trình phụ trợ. Ma Trang tâm sự: “Buôn không có nhà văn hóa, mỗi lần hội họp bà con phải mượn nhà dân hoặc trường học, vừa chật chội, vừa bất tiện nên mình bàn với chồng hiến đất cho xã”.

Do khu đất hiến tặng là đất vườn, chủ yếu trồng cây ăn trái, để buôn sớm có quỹ đất, gia đình Ma Trang nhanh chóng chặt bỏ cây cối, đồng thời cùng cán bộ xã, buôn hoàn tất thủ tục giấy tờ hiến tặng theo quy định. Không chỉ hiến đất làm nhà văn hoá, gia đình Ma Trang còn giúp hai hộ Mí Đin, Mí Két 1.200m2 đất để làm nhà, yên tâm sản xuất. 

Tại xã Ea Lâm, khi huyện Sông Hinh có chủ trương đầu tư xây dựng trạm bơm buôn Học để tưới tiêu cho 40ha lúa 2 vụ thì cán bộ và nhân dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là hệ thống kênh mương và đường giao thông nội đồng đều nằm trong khu vực đất sản xuất của người dân. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất xây dựng công trình. Bước đầu, 9 hộ ở các buôn Bưng A, Bưng B và buôn Học đã vui vẻ hiến khoảng 7.000m2, điển hình như các hộ Ma Nanh, Duôn HB Lít, Ma Ngất, Ma Lóa, Mí Quynh (buôn Bưng B); Ma Thiên, Ma Ký, Mí Vi (buôn Bưng A); Ma Sanh (buôn Học). 

Nói về việc hiến đất để xây dựng trạm bơm, Ma Sanh cho hay: “Ea Lâm là vùng đất khô cằn nhất huyện Sông Hinh nên việc chăn nuôi, trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng trạm bơm, chúng tôi có cơ hội thay đổi phương thức canh tác, nâng cao đời sống. Đây là cái được rất lớn so với vài trăm mét vuông đất của gia đình nên tôi tự nguyện hiến cho xã”.

Nghĩa cử cao đẹp của các gia đình nói trên đã góp phần cùng địa phương thực hiện thành công chương trình XDNTM.

Ma Ngọc
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn