Thế hệ 8X làm lãnh đạo xã

Thế hệ 8X làm lãnh đạo xã
Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vừa đưa một loạt cán bộ thế hệ 8X xuống xã giữ một số vị trí chủ chốt.
Đồi lê Tai Nung nhà Mùa A Tòng.

Đồi lê Tai Nung nhà Mùa A Tòng.

 

Họ là những trí thức trẻ, giàu nhiệt huyết, không ngại khó khăn gian khổ đã thổi bùng khí thế mới trên những vùng đất cằn cỗi, tưởng như đã chai lỳ vì già nua…

Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên được coi là một trong những bí thư huyện ủy trẻ nhất từ trước tới nay ở tỉnh Yên Bái khi mới 41 tuổi.

Nhiều người đặt câu hỏi: Không biết anh chàng vừa mới hết tuổi Đoàn thì làm nổi gì trên cái huyện vùng cao khó khăn bậc nhất tỉnh Yên Bái kia chứ?

Chớ vội vàng khen vị bí thư trẻ này, nhưng không thể phủ nhận những gì mà anh đã làm cho Mù Cang Chải trong một năm qua.

Anh bảo tôi: Mù Cang Chải không thể xây dựng các khu công nghiệp như các huyện vùng thấp. Cần phát huy thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất vùng cao nơi đây, để người dân Mù Cang Chải đi lên từ chính đôi chân của mình…

Thật bất ngờ, cuối năm 2019 tôi được tin Nậm Khắt- miền đất băng giá quanh năm mây mù bao phủ mọc lên cánh đồng hoa hồng Pháp đang làm thay đổi nhận thức của đồng bào trên chốn cao xanh này.

Hỏi ra mới hay, Nông Việt Yên sau khi nghe tin một số người có ý định lên Nậm Khắt thuê đất trồng hoa, anh lập tức mời họ đến ngay, rồi cho người xuống tận Hà Nội, Hải Phòng…mời những đại gia trồng hoa lên với mình.

Ông Nguyễn Văn Công, Chủ nhiệm HTX hoa Nậm Khắt thành thật: Một vùng đất lý tưởng để trồng các giống hoa ôn đới nằm trên độ cao 1.400m lại khá bằng phẳng không nơi nào có được như ở đây.

Mới đầu chúng tôi cũng rất e ngại, địa phương và người dân có ủng hộ không? Thật bất ngờ, chúng tôi đã được mọi người ủng hộ. Mới đầu chúng tôi đầu tư 10 ha, sau sẽ là 30 ha, rất có thể sẽ là 300 ha trong tương lai…

Từ câu chuyện trồng hoa trên núi, Nông Việt Yên bảo tôi: Cần đặt niềm tin vào tuổi trẻ nếu chúng ta thật sự muốn đổi mới. Chúng tôi đã đưa hai phần ba cán bộ trẻ, nhiệt huyết thuộc thế hệ 8X nắm một số vị trí chủ chốt ở các xã trong nhiệm kỳ này, nhằm “thay máu” dần số cán bộ thời kỳ quá độ.

Không phủ nhận những kết quả của những thế hệ lãnh đạo trước đây, tư duy đủ ăn đối với người dân Mù Cang Chải đã cũ rồi, phải làm sao để người dân làm giàu trên chính mảnh đất mà họ đang sống.

Phạm Đức Thịnh trao đổi với bà con cách chăm sóc lê Tai Nung.

Phạm Đức Thịnh trao đổi với bà con cách chăm sóc lê Tai Nung.

 

Trận mưa đầu mùa trút xuống dữ dội vào lúc nửa đêm khiến tôi lo ngại con đường lên núi Púng Luông ngày mai. Hóa ra trận mưa chẳng thấm vào đâu sau sáu tháng mùa khô khiến đất núi Mù Cang Chải khô khốc, trắng phớ trong nắng và gió Lào thổi ngùn ngụt suốt cả mùa khô.

Phạm Đức Thịnh - Phó Bí thư xã Púng Luông bảo tôi: Giữa tháng tư Mù Cang Chải mới có mưa, có thể năm nay mùa mưa đến sớm, bà con cũng đang mong mưa để gieo trồng …

Sinh năm 1984, tháng 12/2019 Phạm Đức Thịnh được tăng cường lên xã Púng Luông làm Phó Bí thư Đảng ủy, dự kiến làm bí thư khóa tới. Tôi quá bất ngờ, mới hơn ba tháng lên Púng Luông mà anh đã thuộc vanh vách các con số.

Aanh cho hay: Púng Luông có 8 thôn bản, 856 hộ, 4.128 khẩu, 99% là dân tộc Mông. Trong 393 ha đất nông nghiệp chỉ có 90 ha ruộng hai vụ, 267 ha một vụ còn lại là các loại đất khác. Với diện tích ruộng đó thì Púng Luông làm kiểu gì cũng thiếu ăn.

Không chỉ trông vào cây lúa, nhiều năm qua Púng Luông tích cực thâm canh cây chè, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm và phát triển cây lê Tai Nung…

Đường lên Cty TNHH thương mại & Du lịch Hello Mù Cang Chải.

Đường lên Cty TNHH thương mại & Du lịch Hello Mù Cang Chải.

 

Nói rồi anh dẫn tôi lên nhà Mùa A Tòng nằm chênh vênh trên sườn núi, sau trận mưa đêm qua mọi người đều lên nương gieo ngô, trồng sắn.

Năm 2009, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái di thực giống lê Tai Nung từ Hà Giang lên trồng ở hai xã Púng Luông và Dế Xu Phình diện tích 1 ha tại gia đình cán bộ xã. Sau 4 năm thì cây có quả, giá bán từ 35.000- 40.000 đ/kg.

Ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mù Cang Chải cho hay: Bà con không còn nghi ngờ về cây lê Tai Nung này nữa, chỉ có điều bà con chưa chịu đầu tư còn mình cũng chưa hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học nên quả chưa to và đẹp, nên giá bán thấp. Hiện nay bà con đã chiết cành trồng thêm được 5 ha rồi.

Du khách nước ngoài rất thích lần nước chảy tự nhiên làm bằng tre nứa.

Du khách nước ngoài rất thích lần nước chảy tự nhiên làm bằng tre nứa.

 

Dẫn tôi xuống núi Phạm Đức Thịnh cho hay: Dự thảo Nghị quyết đại hội xã Púng Luông nhiệm kỳ tới sẽ trồng mới từ 3-6 ha lê Tai Nung, 100 ha Sơn Tra, 3 ha hồng Fuji…Nếu chỉ loanh quanh với cây lúa thì Púng Luông giỏi lắm đủ ăn sẽ chẳng bao giờ giàu được…

 Xã La Pán Tẩn liên tục được “thay máu” lãnh đạo, năm 2017 Trần Minh Phượng được chỉ định làm bí thư xã khi anh mới 35 tuổi, tháng 12/2019 Sùng Thành Công, sinh năm 1988 ủy viên Ủy ban Kiểm tra huyện ủy được tăng cường làm phó bí thư xã ứng cử chức Chủ tịch UBND xã khóa tới.

Trần Minh Phượng (giữa), Sùng Thành Công (trái) trao đổi với người dân về cách làm du lịch.

Trần Minh Phượng (giữa), Sùng Thành Công (trái) trao đổi với người dân về cách làm du lịch.

Trần Minh Phượng vốn là kỹ sư lâm nghiệp, trước khi được tăng cường xuống xã, anh là Phó ban Tổ chức huyện anh bảo: Đây là thử thách đối với tuổi trẻ chúng tôi. Ruộng bậc thang xã La Pán Tẩn là trung tâm di tích quốc gia đặc biệt được vừa Chính phủ quyết định xếp hạng đầu năm nay.

Không chỉ giữ gìn và phát huy những giá trị của di sản mà chúng tôi phải làm gì để giúp bà con nâng cao thu nhập từ thắng cảnh đó.

Từ năm 2017 đến nay xã La Pán Tẩn đã thành lập 14 tổ hợp tác, 1 doanh nghiệp kinh doanh nhà nghỉ và du lịch trải nghiệm, 6 nhà nghỉ Homestay, 1 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp.

Trong số 14 tổ hợp tác có tổ hợp tác nấu rượu thóc thu hút hơn 40 hộ, mỗi năm Công ty Thịnh Đạt Xanh thu mua trên 20.000 lít rượu La Pán Tẩn.

Homestay của Giàng A Dê.

Homestay của Giàng A Dê.

 

Đưa tôi lên thăm gia đình Giàng A Dê sinh năm 1988, giám đốc Công ty TNHH thương mại & Du lịch Helo Mù Cang Chải.

Ngôi nhà của Dê nằm trên sườn núi, điểm du lịch quá đẹp, có thể nhìn rõ cánh đồng lên La Pán Tẩn mùa lúa chín như mây vờn sóng cuộn, còn mùa nước đổ những thửa ruộng bậc thang lóng lánh ngàn vạn mảnh gương trời.

Đang mùa dịch Covid-19 nên Dê không đón khách, còn như mọi năm thì dịp này nhiều ngày không còn phòng nghỉ, chủ yếu là khách nước ngoài. Thu nhập trung bình mỗi tháng của gia đình Dê khoảng 30 triệu đồng, điều mà người dân La Pán Tẩn từ xưa tới nay chưa bao giờ nghĩ đến.

Trụ sở xã La Pán Tẩn.

Trụ sở xã La Pán Tẩn.

 

Không chỉ huyện Mù Cang Chải các huyện vùng thấp của tỉnh Yên Bái cũng đang đưa cán bộ thế hệ 8X xuống xã.

Ông Nguyễn Thế Phước, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết: Những năm qua chúng tôi đã đưa 25% số cán bộ trẻ dưới 35 tuổi có năng lực, trình độ đảm nhiệm 5 vị trí chủ chốt ở các xã. Chính đội ngũ cán bộ trẻ này đã làm thay đổi mạnh mẽ phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực để Trấn Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của Tây Bắc…

Hãy tin và trao trọng trách cho lớp trẻ, bởi chính họ quyết định tương lai của đất nước.

 
Theo Thái Sinh/nongnghiep.vn