Thị trường sôi động nhờ gạo thơm

Thị trường sôi động nhờ gạo thơm
Nếu như trước đây xuất khẩu gạo Việt Nam được dẫn dắt bởi chủng loại gạo trắng thông dụng thì thời gian gần đây, việc xuất khẩu được quyết định bởi thị trường các loại gạo thơm, đặc sản. Lượng gạo thơm xuất khẩu tăng đang kích thích thị trường gạo nội địa sôi động hẳn lên.

Dẫn dắt thị trường

Trong một báo cáo gửi đến Sài Gòn Tiếp Thị, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Thế Năng cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay đã không còn dựa vào nhu cầu các loại gạo trắng thông thường từ các thị trường truyền thống có hợp đồng tập trung. “Xuất khẩu gạo hiện nay chủ yếu dựa vào thị trường gạo đặc sản chất lượng cao, gạo thơm và nếp”, ông Năng nói.

Báo cáo này cho biết, do có sự thay đổi về cơ cấu chủng loại theo nhu cầu thị trường, tức tăng ở phân khúc gạo thơm, đặc sản dẫn đến sản lượng gạo trắng thông dụng bị hạn chế. Điều này khiến giá gạo trắng thông dụng của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với gạo Thái Lan, tức giá chào bán cao hơn so với Thái Lan.

“Nhưng dù sao đây cũng là hướng điều chỉnh tốt cho lúa gạo Việt Nam, phải nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp, giảm phụ thuộc vào thị trường cấp thấp”, báo cáo của VFA viết.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang), cũng cho rằng tình hình xuất xuất khẩu gạo sắp tới sẽ có sự điều chỉnh theo hướng giảm phụ thuộc vào thị trường tập trung, tiêu thụ gạo cấp thấp và tăng khả năng cung ứng cho các thị trường thương mại có nhu cầu cao về gạo thơm và gạo đặc sản như Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ghana…

Báo cáo của VFA cho thấy, trên thực tế, chỉ riêng trong tháng 8-2017, số lượng gạo trong hợp đồng xuất khẩu đăng ký của doanh nghiệp hội viên đạt trên 841.000 tấn. Trong đó, gạo thơm đạt đến gần 250.000 tấn và nếp là trên 212.000 tấn.

Một căn cứ khác cho thấy phân khúc thị trường gạo thơm, gạo đặc sản đang lên cao. Đó là số lượng hợp đồng đăng ký bán vào các thị trường tập trung – thị trường tiêu thụ gạo có chất lượng trung bình của Việt Nam như Maylaysia, Indonesia, Philippines – đang chiếm một tỷ lệ khiêm tốn.

Cụ thể, lũy kế tám tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp hội viên VFA đã ký hợp đồng xuất khẩu đạt 5,156 triệu tấn. Trong đó, số lượng ký bán vào thị trường tập trung chỉ 750.000 tấn, tương đương 14,55% tổng lượng gạo đã ký trong khoảng thời gian này. Còn hợp đồng thương mại đạt 4,406 triệu tấn, chiếm đến 85,45% tổng lượng gạo đã ký trong khoảng thời gian này.

Một dẫn chứng khác được ông Năng nêu ra trong báo cáo của mình, đó là các thị trường tiêu thụ nhiều chủng loại gạo thơm, đặc sản đang chiếm thị phần áp đảo trong cơ cầu của toàn ngành. Chẳng hạn, Trung Quốc chiếm 37,4% trong tổng khối lượng gạo đã xuất khẩu của Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2017 (3,874 triệu tấn), châu Phi với hai quốc gia nhập khẩu gạo thơm nổi tiếng của Việt Nam là Ghana và Bờ Biển Ngà đứng thứ 2 và chiếm đến 15,71%.

Nhìn vào những số liệu đó, những người tron ngành cho rằng gạo thơm, đặc sản đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, ít nhất từ nay đến cuối năm 2017.

nongdanNông dân đang thu hoạch lúa thơm ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Sôi động thị trường nội địa

Diễn biến về phân khúc thị trường xuất khẩu như nêu trên đã có tác dụng kích thích giá lúa gạo thơm, chất lượng cao thị trường nội địa tăng nhanh thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Thanh Thọ, một thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, gần đây giá lúa gạo liên tục tăng, thị trường tiêu thụ sôi động hẳn lên. “Nếu như cách nay hơn nửa tháng, lúa Đài Thơm 8 có giá 5.100-5.200 đồng/kg đối với lúa tươi, thì nay đã nhảy vọt lên mức 5.700-5.800 đồng/kg”, ông Thọ cho biết.

Trong khi đó, đối với lúa thơm OM 4900 (lúa tươi) cũng nhảy vọt lên mức 5.600 đồng/kg, từ mức 5.000 đồng/kg cách nay hơn nửa tháng. Không những thế, với các loại lúa chất lượng cao như OM 5454, OM 4218 từ 4.800- 4.900 đồng/kg cách nay hơn nửa tháng cũng nhảy vọt lên mức giá 5.300-5.400 đồng/kg.

Bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp Yến Ngọc (TPHCM), cho biết giá lúa thơm tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang tăng nhanh, nhất là thị trường Trung Quốc và châu Phi, trong khi nguồn cung trong nước đang bị hạn chế.

Không chỉ lúa, đối với mặt hàng gạo, theo bà Yến, tình hình tiêu thụ cũng khá sôi động khi giá giao dịch tăng. Theo đó, với các loại gạo thơm hạt dài (thành phẩm) tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc có giá 11.000-11.200 đồng/kg, OM 4900 có giá 10.200-10.800 đồng/kg, OM 5451 có giá 9.000-9.500 đồng/kg, tăng 500-700 đồng/kg so với mức giá cách nay hơn nửa tháng.

Trong khi đó, đối với mặt hàng nếp (nếp tươi), ông Trần Quốc Tuấn, thương lái chuyên thu mua nếp ở tỉnh Long An cho biết, lúa nếp hiện có giá 5.100-5.200 đồng/kg, tăng 600-700 đồng/kg so với mức giá cách nay hơn nửa tháng. Trong khi đó, gạo nếp từ mức 8.400-8.500 đồng/kg cách nay hơn nửa tháng cũng đã nhảy lên mức giá 9.200-9.300 đồng/kg.

Trung Chánh/sgtiepthi.vn