Thiếu cơ chế “hút” nhân tài cho hợp tác xã

Thiếu cơ chế “hút” nhân tài cho hợp tác xã
Thu hút nguồn nhân lực trí thức trẻ tham gia vào hoạt động phát triển các HTX kiểu mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp là gợi ý của các chuyên gia cho phát triển HTX trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Kỹ năng quản trị yếu
Ở khu vực nông thôn, hoạt động của các HTX vẫn có vai trò khá lớn đối với xã viên, nhất là HTX nông nghiệp trong việc cung cấp vật tư đầu vào và tổ chức một số dịch vụ khác. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước đang có 10.204 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, làm muối, còn lại là trồng trọt và chăn nuôi.
Cán bộ HTX Nông nghiệp Phú Thắng, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên hướng dẫn xã viên kỹ thuật cấy máy. Ảnh: Quang Thiện
Cán bộ HTX Nông nghiệp Phú Thắng, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên hướng dẫn xã viên kỹ thuật cấy máy. Ảnh: Quang Thiện
Tình trạng chung của phần lớn các HTX là có quy mô về vốn, sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu làm dịch vụ cung ứng đầu vào vật tư nông nghiệp và hầu như rất yếu trong khâu tổ chức tiêu thụ nông sản cho xã viên. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ mô hình cũ sang HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 còn chậm, trong quá trình thực hiện có khoảng 20% số HTX đã dừng hoạt động nhưng chưa chuyển đổi hoặc giải thể được.
Đáng băn khoăn là đội ngũ cán bộ HTX vừa thiếu lại vừa yếu. TS Hoàng Vũ Quang – Phó Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay, có tới 65% chủ nhiệm HTX có trình độ từ cấp 2 trở xuống, chỉ có 12% chủ nhiệm HTX có trình độ đại học. Do đó, kỹ năng quản trị HTX còn yếu và tổ chức hoạt động của HTX còn rất nhiều hạn chế.
Trong khi đó, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với phát triển nguồn nhân lực cho khu vực HTX còn rất nhiều bất cập. Chẳng hạn, theo Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo chính quy, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý và xã viên HTX. Tuy nhiên, điều này rất khó áp dụng vì cán bộ HTX có trình độ văn hóa thấp, nếu đào tạo phải mất dài ngày trong khi cử nông dân đi học một thời gian dài thì rất khó khăn.
Khát nguồn nhân lực trẻ có trình độ
Trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc tổ chức lại sản xuất là một trong 2 vấn đề quan trọng, nhất là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Bài học thành công của một số nước như Canada, Philippines cho thấy, nhân tố lãnh đạo chính là chìa khóa thành công của HTX. Theo ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), thời gian tới, ngoài việc tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, đầu ra…, việc tăng cường nhân lực trẻ, có chất lượng và trình độ cho các HTX cũng sẽ được chú trọng. Theo đó, giải pháp có thể thực hiện là có cơ chế phối hợp giữa các địa phương với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đào tạo về nông nghiệp, kinh tế để sau khi sinh viên ra trường có thể về làm việc tại các HTX. Điều này vừa tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cho HTX vừa giải quyết đầu ra cho các đơn vị đào tạo.
Luật HTX 2012 quy định có 2 cơ quan quản lý là HĐQT và giám đốc HTX, bỏ chức chủ nhiệm HTX. Điều này có nghĩa là giám đốc HTX phải như một nghề mang tính chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, quản lý kinh tế, thị trường, tài chính… Ông Phạm Văn An – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội cho biết, để hỗ trợ nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ HTX, Liên minh HTX vừa tổ chức 5 lớp bồi dưỡng cho các giám đốc HTX trên địa bàn TP. Tuy nhiên, theo ông An, về lâu dài, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích những người trẻ, năng động, có trình độ tham gia vào các hoạt động phát triển HTX, giống như dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại các địa phương còn nhiều khó khăn.


Theo: ktdt.vn