Thịt lợn muốn xuất ngoại "phải nhập gia tuỳ tục"

Việc đàm phán xuất khẩu thịt lợn sẽ linh hoạt tuỳ theo yêu cầu của từng nước đối tác nhập khẩu chứ không có một quy trình chuẩn chung cho tất cả các nước và tất cả các sản phẩm hàng hoá. Điều đó có nghĩa, muốn xuất ngoại, thịt lợn Việt phải "nhập gia tuỳ tục" - ứng biến theo từng thị trường.

Tại Diễn đàn Xuất khẩu thịt lợn Việt Nam vừa tổ chức, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, đã cho biết điều này.

Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc.... yêu cầu không có bệnh LMLM 

Cụ thể, Cơ quan thú y Hàn Quốc yêu cầu, thịt lợn xuất khẩu vào Hàn Quốc phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất khẩu không có bệnh LMLM - lở mồm long móng (được OIE công nhận). Do hiện nay, Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh LMLM nên Việt Nam chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn.

xuất khẩu thịt lợn sẽ linh hoạt tuỳ theo yêu cầu của từng nước đối tác nhập khẩu chứ không có một quy trình chuẩn chung cho tất cả các nước

Xuất khẩu thịt lợn sẽ linh hoạt tuỳ theo yêu cầu của từng nước đối tác nhập khẩu chứ không có một quy trình chuẩn chung cho tất cả các nước

Cơ quan Thú y của Philippin yêu cầu, thịt lợn nhập khẩu vào Philippin phải có nguồn gốc từ các nước không có bệnh LMLM và không tiêm phòng (được OIE công nhận), vì Philippin là nước đã đạt được yêu cầu này. 

Cục Thú y nhận được thư của phía Singapore cho biết, thịt lợn đông lạnh vào Singapore phải đáp ứng yêu cầu chung như sau: Quốc gia/vùng xuất khẩu phải sạch bệnh LMLM và Dịch tả lợn (được OIE công nhận), Bệnh mụn nước ở  lợn trong 6 tháng (trước ngày giết mổ và tại ngày xuất khẩu); được giết mổ, bảo quản ở cơ sở bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; được kiểm soát các chất tồn dư độc hại.

Như vậy, điều kiện tiên quyết để Singapore xem xét cho nhập khẩu thịt lợn là phải từ quốc gia/vùng xuất khẩu sạch bệnh LMLM, Dịch tả lợn (được OIE công nhận), vì Singapore là nước đã đạt được yêu cầu này.

Từ đầu năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã có văn bản số 183 cấm nhập khẩu các loại gia súc và thịt gia súc của Việt Nam hoặc các loại thịt gia súc nhập khẩu từ các nước đi qua Việt Nam vào Trung Quốc do Việt Nam đang có dịch LMLM. Do vậy, mặt hàng lợn sống, thịt lợn của Việt Nam không nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. 
Việc trao đổi để xuất khẩu lợn sống, thịt lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được tổ chức thực hiện nhiều năm qua cả ở cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Cục nhưng chưa có kết quả. 

Liên bang Nga từ chối vì không đáp ứng vệ sinh thú y

Theo đề nghị của phía Việt Nam, trong tháng 10/2014, Cơ quan Giám sát và Kiểm dịch Động Thực vật Liên bang Nga (FSVPS) đã cử đoàn thanh tra sang Việt Nam kiểm tra đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của 08 cơ sở đăng ký giết mổ và chế biến thịt lợn xuất khẩu vào LB Nga (6 cơ sở do Cục Thú y đề nghị và 2 cơ sở do phía FSVPS lựa chọn đề xuất thanh tra bổ sung, bao gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm Minh Hiền; Công ty chế biến thực phẩm Hà Nội; Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình; Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản VISSAN; Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai; Công ty Cổ phần chế biến và xuất khẩu nông sản Nam Định, nay là Công ty Biển Đông; Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh gia súc, gia cầm; Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Thái Bình). 

Ngày 31/12/2014, Cơ quan Giám sát và Kiểm dịch Động Thực vật Liên bang Nga đã có công thư số FS-EN-8/26251 gửi Báo cáo kết quả thanh tra các cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt lợn vào Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan. Theo Báo cáo này thì toàn bộ 8 cơ sở đăng ký xuất khẩu thịt lợn từ Việt Nam vào Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan đều bị từ chối vì không đạt yêu cầu vệ sinh thú y của Liên minh Hải quan và Liên bang Nga.

Sau khi nhận được báo cáo của LB Nga, Cục Thú y đã có Công văn số 533/TY-KD ngày 30/3/2015 thông báo cho các cơ sở và đề nghị các cơ sở khắc phục các sai lỗi mà đoàn thanh tra LB Nga đã chỉ ra và gửi báo cáo khắc phục cho Cục Thú y để tiếp tục đàm phán với LB Nga. Tuy nhiên, do việc khắc phục các sai phạm, cải tạo, sửa chữa nhà máy theo yêu cầu của thanh tra LB Nga cần nhiều thời gian và kinh phí, vì vậy chỉ có Công ty TNHH Minh Hiền thực hiện một số khắc phục nhỏ (chủ yếu về mặt giấy tờ và việc này không được LB Nga chấp nhận). Các cơ sở còn lại cho biết chưa có đủ kinh phí để tiến hành sửa chữa và sẽ cải tạo khắc phục sau. 

EU khắt khe với chất tồn dư độc hại

Cục Thú y đã có thư gửi Trưởng cơ quan Thú y của một số nước EU như Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Tây Ban Nha, Ba Lan, Anh… và Đại quán các nước này tại Hà Nội đề nghị cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y và hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu đối với  thịt lợn và các sản phẩm chăn nuôi khác của Việt Nam. Cục Thú y đã nhận được thư trả lời của hầu hết các nước EU này. Các nước đều cho biết quy định nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt được thống nhất giữa các nước thành viên và Ủy ban châu Âu là đối tác đàm phán duy nhất với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật. 

Cục Thú y tiếp tục có thư gửi Phái đoàn EU tại Việt Nam đề nghị cung cấp các quy định và yêu cầu đối với thịt và sản phẩm thịt động vật nhập khẩu từ Việt Nam. Đại diện Phái đoàn EU đã cung cấp các quy định về nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật từ các nước thứ ba vào EU. Theo đó EU yêu cầu tất cả sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao giống như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn liên quan đến an toàn dịch bệnh động vật của EU. 

Như vậy có thể thấy, ngoài yêu cầu cao về tình trạng sạch một số bệnh động vật truyền nhiễm nguy hiểm (như lở mồm long móng, dịch tả lợn), thì việc xây dựng và thực hiện một chương trình giám sát chất tồn dư độc hại theo đúng quy định của EU là điều kiện tiên quyết để EU xem xét nhập khẩu thịt và và sản phẩm thịt động vật từ các nước ngoài EU.

Nhật Linh 
http://thoibaokinhdoanh.vn/