Thoát hạn mặn ngoạn mục, nông dân ĐBSCL bỏ túi hơn 1,5 tỷ USD
- Thứ bảy - 22/02/2020 08:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tổng diện tích đã xuống giống toàn vùng là trên 1.538.000ha. Hầu hết diện tích xuống giống trong vùng chịu ảnh hưởng của hạn mặn về cơ bản đã được an toàn.
Năng suất ước đạt 69 tạ/ha, tăng khoảng 2-4 tạ/ha. Sản lượng ước đạt khoảng 4,1 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch toàn vùng đến 29/2 khoảng 1 triệu ha.
Lúa đẹp
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (phải) thăm đồng lúa tại Tiền Giang. Ảnh: T.Đ
"Trong thời điểm hạn mặn, đối với những vườn chưa ra hoa, trong giai đoạn sinh trưởng, nông dân cần hạn chế cho cây phát triển bằng cách tỉa cành, nụ hoa, dọn tán... nhằm giảm thoát hơi nước của cây mà còn tạo cho quả đồng đều chất lượng hơn. Ủ gốc, bón phân kali để giữ ẩm cho cây...”. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam |
Mới đây, đoàn công tác Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đi khảo sát, kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Tại ấp Bình Tân (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang), rất nhiều ruộng lúa đã, đang thu hoạch.
Ông Phạm Văn Vinh - một nông dân đang trồng 4 công lúa cho biết, trước khi xuống giống, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đã khuyến cáo xuống giống sớm để né hạn mặn, đảm bảo nguồn nước trồng lúa... Vụ này, năng suất lúa của gia đình ông Vinh đạt khoảng 35 giạ/công.
“Với giá lúa hiện nay 5.800 đồng/kg, mỗi công lúa tôi lời từ 2 - 2,5 triệu đồng”- ông Vinh phấn khởi.
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, vụ đông xuân toàn tỉnh xuống giống hơn 57.600ha, đã thu hoạch hơn 13.400ha, năng suất 7 tấn/ha, sản lượng 94.000 tấn. Trà lúa còn lại đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng 14.800ha, trổ hơn 9.500ha, chín 19.700ha. Ước năng suất toàn vụ đạt 6,89 tấn/ha, sản lượng gần 400.000 tấn.
Trong khi đó, tại xã Bình Lãng (Tân Trụ, Long An), hàng trăm ha lúa cũng đang chuẩn bị thu hoạch. Ông Trịnh Phước Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ cho biết, tổng diện tích lúa của huyện là 4.585ha. Trong đó, có 2.300ha có khả năng bị ảnh hưởng ít nhiều của hạn mặn.
Ông Nguyễn Văn Ta (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) chia sẻ, gia đình ông có gần 0,4ha lúa đông xuân khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch. Do được địa phương khuyến cáo, vụ này ông đã chủ động trữ nước vào ruộng. “Hiện, lúa đang phát triển tốt. Địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cứu lúa cho nông dân” - ông Ta chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh tình trạng xâm nhập mặn đã vào sâu 140km từ cửa biển. Tuy nhiên, trong thời gian qua các địa phương đã khắc phục nguồn nước, bảo đảm khoảng 4.000ha lúa không bị ảnh hưởng, hơn 2.000ha bị ảnh hưởng năng suất và sản lượng.
“Nếu so ảnh hưởng thiệt hại hạn mặn năm 2016 (trên 100 tỷ đồng) thì năm nay, thiệt hại ít hơn rất nhiều. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có diện tích lúa nào bị thiệt hại hoàn toàn” - ông Thiện thông tin.
Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tính đến 17/2, tại khu vực ĐBSCL, diện tích lúa đã thu hoạch hơn 600.000ha, nhiều hơn cùng kỳ 2015-2016 khoảng 150.000ha, nhiều hơn năm 2018-2019 gần 120.000ha. Ông Tùng tính, với diện tích và giá lúa hiện thời, nông dân toàn vùng đã “bỏ túi” khoảng 33.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.
Quyết liệt bảo vệ lúa, cây trồng
Theo đánh giá của Thứ Trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, năm nay, mức độ mặn xâm nhập nghiêm trọng hơn năm 2016, nhưng nhờ chỉ đạo chung của Bộ, các địa phương đưa ra nhiều giải pháp để chủ động ứng phó từ rất sớm nên thiệt hại đã giảm tới mức tối thiểu.
Qua khảo sát tại cánh đồng lúa trên địa bàn huyện Tân Trụ (Long An) và huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, thực tế cho thấy người dân địa phương rất chủ động trong việc sản xuất nhằm ứng phó hạn, mặn, tích trữ bơm nước ngọt phục vụ sản xuất vụđông xuân; nhiều giải pháp tiết kiệm nước và giữ ẩm cho các loại cây trồng như thanh long rất hiệu quả trong điều kiện hạn mặn hiện nay.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, không những Long An, Tiền Giang mà tại vùng ĐBSCL hiện nay, gần như các diện tích lúa đông xuân đều thoát khỏi sự ảnh hưởng của hạn mặn. “Mặc dù hạn mặn đang rất nghiêm trọng, nhưng lúa rất đẹp. So với hạn mặn 2015, 2016, mức độ thiệt hại lúa năm nay chỉ khoảng 3%” - ông Doanh vui mừng cho hay.
Mặc dù gần như vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL đã thoát hiểm hạn mặn một cách ngoạn mục, nhưng lãnh đạo Bộ NNPTNT vẫn lưu ý các tỉnh cần tập trung quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo sổ tay hướng dẫn quy trình tưới lúa tiết kiệm nước, canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn vùng ĐBSCL; tranh thủ tối đa nguồn nước ngọt để tưới, đặc biệt vào giai đoạn lúa trổ.