Thoát nghèo bền vững

Bản Poọng (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) từng là điểm nóng của nghèo đói, căn bệnh thế kỷ, ma tuý, giờ đang dần “thay da đổi thịt” nhờ ý thức tự vươn lên của người dân cùng những hỗ trợ đúng cách.
Người dân ở bản Poọng được tặng bò giống
Bản Poọng trước đây thường được ví von gọi là “bản 3 nhất”. Đây là bản nghèo nhất của xã nghèo nhất, trong một huyện cũng nghèo nhất nước. Chỉ vài năm trước, đường từ thị trấn vào bản Poọng là đường đất. Nếu gặp hôm trời mưa nhỏ, việc đi lại cũng đã cực kỳ khó khăn và cách tốt nhất là… đi bộ. Còn nếu mưa to thì tốt nhất là không nên đi đâu.
“Bản 3 nhất” còn chưa có điện lưới quốc gia và người dân vẫn phải dùng pin xạc, ắc quy hoặc điện nước (những máy phát điện loại nhỏ, đặt dưới suối) nếu muốn xem ti vi vào buổi tối. Kết nối thông dụng nhất khi đó là những chiếc điện thoại di động. Buổi tối, trai gái có thể cùng nhau ra con dốc đầu bản nghe nhạc. Họ dùng điện thoại thay đèn pin lúc trời tối.
Đi kèm với hạ tầng đó là tệ nạn ma tuý và HIV lan tràn khắp bản. Cái tên “bản Si đa” mà người ta đặt cho bản Poọng đủ để nói lên số thanh niên nhiễm căn bệnh thế kỷ tại đây ở mức nào.
Thế nhưng, bộ mặt của Mường Lát đã có những thay đổi rõ rệt. Con đường vào bản đã được rải đá, điện lưới quốc gia đã được kéo về. Năng suất trồng lúa nước của bản vọt lên đứng đầu. Nếu như năng suất lúa toàn huyện Mường Lát năm 2014 đạt trung bình khoảng 42 tạ/ha thì bản Poọng đạt từ 56-60 tạ/ha.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: “Nghèo thì vẫn còn, nhưng ma túy và người bị AIDS ở bản Poọng đã được giải quyết triệt để. Điều quan trọng là bà con bắt đầu muốn thoát nghèo”.
Chương trình 30A do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện, giúp bà con xoá nghèo bền vững là một ví dụ điển hình của việc tác động vào ý thức thoát nghèo của người dân nơi đây.
Ông Cường thông tin thêm, một thời gian dài, các hỗ trợ người nghèo giúp họ cái ăn, cái mặc, vượt qua cơn đói không đem lại hiệu quả bền vững. Hết gạo, hết thịt, áo quần được tặng rách… là người dân bản Poọng lại tái nghèo và đói nghèo là cái vòng luẩn quẩn. Thế nhưng, cách hỗ trợ mới theo nguyên tắc “không cho không” và “chỉ đem đến cần câu, không cho con cá” đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Như chương trình xóa nhà tranh tre nứa lá, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ toàn bộ nguyên vật liệu, còn bà con phải tự huy động công xây dựng cho nơi ở kiên cố vững chãi của mình. Với cách làm như vậy, bà con xóm bản có thể tự tay dựng nhà cho hàng xóm. Rồi đến việc đầu tư tặng bà con cây giống, vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật canh tác... cũng vậy.
“Như bò giống lai Sind mà doanh nghiệp hỗ trợ bà con vài năm trước, chính sách cũng rất rõ ràng. Đó là thứ có thể ăn được. Nhưng mà hộ nào giết thịt, hay bán đi thì sẽ không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nữa. Họ cũng không được hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật canh tác… Chúng tôi xác định rõ: để thoát nghèo bền vững, điều quan trọng là cần câu, không phải là con cá”, ông Cường nói.
Tại bản Poọng, điều khiến vị chủ tịch huyện và nhiều người ở huyện nghèo này thấy hy vọng tràn đầy không chỉ ở những con số về tỷ lệ thoát nghèo, năng suất lúa, đường rải đá… Đó là nhận thức về đói nghèo ở đây đã thay đổi. Thay vì muốn nằm trong danh sách hộ nghèo để tiếp tục nhận hỗ trợ, không ít người đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách nghèo, mong muốn vươn lên thoát nghèo bằng chính đôi bàn tay của mình. Với họ, đó là niềm tự hào của gia đình.
Theo:  nongnghiep.vn