Thôi “ăn xổi”, ngành tôm sẽ hết lận đận
- Thứ tư - 09/12/2015 21:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Báo động
Việt Nam hiện là nước có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại hầu hết thị trường. Tính từ năm 2014 đến nay đã có gần 32.000 tấn hàng bị trả về. Riêng 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam có đến 582 lô hàng bị 38 nước trả về.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hàng bị trả về chủ yếu do nguồn nguyên liệu không sạch. Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) Hồ Quốc Lực kêu lên: “Môi trường quá bẩn, sông ngòi đều nhiễm chất thải. Từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh bùng phát, người nuôi tôm tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại để lại tồn dư kháng sinh cấm trong con tôm”.
Tổng Gián đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, ông Trần Văn Lĩnh, phân tích thêm: “Dịch bệnh tôm xảy ra mấy năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được liều thuốc phòng trị nên tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ 30-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%. Để giảm giá thành, nhiều doanh nghiệp tăng cường sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm”.
Hệ quả, theo ông Lĩnh, giảm được phần nhỏ giá thành nhưng chất lượng tôm cũng giảm, bị trả về lớn hơn, thậm chí doang nghiệp mất nhiều thị trường. Để đảm bảo, doanh nghiệp đã phải nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ về chế biến xuất khẩu để bớt rủi ro. Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 34.000 tấn tôm nguyên liệu từ 20 nước để chế biến xuất khẩu, hơn 80% từ Ấn Độ.
Tôm Việt Nam bị nhiều thị trường cảnh báo nhiễm kháng sinh - Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Phân tích nguyên nhân tình trạng tồn dư kháng sinh, chất cấm trong thủy sản xuất khẩu vẫn tăng cao, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (NAFIQAD) cho rằng, phương pháp quản lý của cơ quan nhà nước thời gian qua chưa hiệu quả. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Thạnh, thừa nhận quản lý nhà nước chưa đủ, chưa kịp thời, thậm chí chưa hợp lý. Chẳng hạn, năng lực kiểm nghiệm của Việt Nam hiện chỉ mới đạt ở mức 600 hoạt chất, trong tổng số 3.000 hoạt chất lưu hành trên thị trường.
Doanh nghiệp tự nuôi
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để có thủy sản sạch thì doanh nghiệp phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi. Bộ NN&PTNT sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển những mô hình sản xuất sạch của doanh nghiệp, tuy nhiên trước hết, doanh nghiệp phải chủ động.
Theo ông Hồ Quốc Lực, những doanh nghiệp kiểm soát được nguyên liệu thủy sản xuất khẩu là nhờ xây dựng được vùng nuôi. Doanh nghiệp chủ động liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ lại thành những tổ hợp tác với vùng nuôi 50-70 ha trở lên, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Chúng tôi đã có 10 tổ hợp tác như thế nên kiểm soát được chất kháng sinh và còn tăng năng suất. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa”, ông Lực phấn khởi.
Tỉnh Bạc Liêu đang có những cánh đồng nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, cho năng suất hàng đầu thế giới, cũng bảo đảm an toàn thực phẩm rất tốt. Đó là Tập đoàn Việt-Úc, Công ty TNHH MTV Hải Nguyên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh. Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, ông Lê Anh Xuân cho biết, Trúc Anh sử dụng sản phẩm vi sinh nuôi tôm theo công nghệ sinh học do chính Công ty nghiên cứu sản xuất.
Công ty Trúc Anh còn phát triển nuôi tôm theo công nghệ Biofloc: không thay nước trong quá trình nuôi, tôm sử dụng sinh khối biofloc làm thức ăn nên chuyển hóa protein trong thức ăn lên đến 45 - 50%, nâng cao mức độ an toàn sinh học. Đặc biệt, từ khi thả nuôi đến thu hoạch không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Bởi vậy, chất lượng tôm rất tốt.
Nuôi tôm nhà kín lớn nhất ở Bạc Liêu và cả nước hiện nay là Tập đoàn Việt-Úc. Mới đây, Việt-Úc khởi công xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) có diện tích 315 ha. Khu phức hợp bao gồm sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín và nhà máy chế biến xuất khẩu. Thả nuôi mật độ 200 - 500 con/m2, nuôi 2-3 vụ/năm cho năng suất 120 -300 tấn/ha, khu nuôi tôm này dự kiến cho 24.000 - 26.000 tấn tôm/năm. Tổng mức đầu tư của dự án trên 1.000 tỷ đồng.
>> Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt-Úc: Tập đoàn Việt-Úc hiện đã có 365 ha nuôi tôm trong nhà kín ở Bạc Liêu, 300 ha ở Bình Định và sắp tới là 300 ha ở Quảng Ninh. Mô hình này không chỉ năng suất cao mà tôm thương phẩm còn đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm do quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh. |