Thông tin thiếu kiểm chứng có thể làm hại nông dân

Bộ Công Thương mới đây đã bác bỏ thông tin giá tiêu trong nước bị thương lái Trung Quốc thao túng. Đây không phải lần đầu những thông tin thiếu kiểm chứng bị lan truyền, có thể gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Thời gian qua, một số cơ quan truyền thông trong nước đã đưa tin về hiện tượng thương nhân nước ngoài thao túng thị trường, giá cả hồ tiêu Việt Nam.

Trong thông cáo gửi báo chí mới đây, Bộ Công Thương đã khẳng định chưa đủ cơ sở để kết luận điều này, đồng thời cho biết sẽ phối hợp với các Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đúng pháp luật cho mặt hàng hồ tiêu nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung.

Thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: moit.gov.vn

Qua tìm hiểu thông tin, Bộ Công Thương nhận thấy thông tin này xuất phát từ website của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA). Tuy nhiên khi Bộ đề nghị VPA cung cấp danh sách cụ thể các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi rủi ro trong giao dịch với thương nhân nước ngoài thì VPA cho biết: "không có nguồn lực, không thống kê được cụ thể danh sách doanh nghiệp bị ảnh hưởng và cũng không định rõ khái niệm bị ảnh hưởng là thế nào để thống kê, chưa kể trong quy luật mua bán, các doanh nghiệp không thể chia sẻ các thông tin về đối tác mà mình thường mua bán".

Cũng theo văn bản của VPA gửi Bộ Công Thương, thông tin hồ tiêu Việt Nam bị thương nhân nước ngoài thao túng là mang tính "cảnh báo, chia sẻ giữa các hội viên VPA với nhau". VPA cám ơn sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước nhưng mong muốn sự việc này "nên dừng lại" và "khi nào sự việc nghiêm trọng hơn, khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy cần thiết, chúng tôi sẽ gửi công văn chính thức đề nghị Nhà nước can thiệp, hỗ trợ".

Như vậy, rõ ràng những thông tin mà VPA đưa ra chưa có đủ cơ sở vững chắc. Việc thông tin thiếu cơ sở như vậy có thể khiến thị trường tiêu Việt Nam bị nhiễu loạn, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu e dè không biết bán ra sao.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu, hiện chưa phát hiện tình trạng thương nhân nước ngoài “múa tay trong bị” thao túng giá hồ tiêu.

Theo khảo sát của phóng viên, trong gần nửa tháng qua, có nhiều thông tin gây bất lợi cho ngành tiêu, trong đó có việc thương lái Trung Quốc “lèo lái” giá tiêu, làm người trồng tiêu hoang mang. Tuy nhiên, trước biến động giá tiêu tăng lên rồi có nguy cơ hạ xuống, nhiều người dân trồng tiêu vùng Đông Nam Bộ vẫn theo dõi rất sát biến động thị trường và quyết định giữ tiêu lại, không bán ra ồ ạt làm chao đảo giá tiêu trong nước.

Hiện nay, sản lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu chiếm 40% sản lượng hồ tiêu thế giới. Do đó, vị thế chủ động của ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn rất vững chắc và có tác động mạnh đến Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng như Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế. Với vị thế chủ động này, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ không dễ bị các nước lấn át về giá.

Không những vậy, tình hình quốc tế đang có lợi cho Việt Nam. Indonesia bị mất mùa hồ tiêu năm 2017 do thời tiết bất lợi, sản lượng giảm 20.000 tấn. Ấn Độ dự kiến xuất khẩu 2.000 tấn, Campuchia xuất 8.000 tấn, Brazil xuất 2.000 tấn. Trong khi tổng sản lượng hồ tiêu cung cấp ra thị trường thế giới đến cuối năm 2017 sẽ vượt 40.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016.

"Giá tiêu sẽ không giảm như các nhà phân tích lo ngại trước đó vì mức tiêu thụ hồ tiêu của thế giới đang có xu hướng tăng từ 4-5%; tỷ lệ cất trữ của các hộ dân sẽ nhiều hơn năm trước nên nguồn cũng ra thế giới sẽ không ồ ạt, không làm kéo giá tiêu xuống thấp", bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phân tích.

Như vậy, nông dân trồng tiêu cũng như doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát biến động thị trường, không bán tiêu ồ ạt làm chao đảo giá tiêu trong nước. Đồng thời, chọn lọc những nguồn thông tin chính xác để có quyết định kinh doanh đúng đắn.
 
Hoàng Dương - Hồng Nhung/Báo Tin Tức