Thông tư 26 "giải khát" cho tôm

Thông tư 26 "giải khát" cho tôm
Thông tư 26 vừa được Bộ NN&PTNT ban hành, về quản lý giống thủy sản, nhất là sản xuất tôm giống, nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm soát, quản lý giống thủy sản, trong đó có tôm, đi vào khuôn khổ.

Báo động chất lượng giống

Diện tích nuôi tôm tăng liên tục, trong khi cơ sở hạ tầng, chính sách quy hoạch chưa đồng bộ, rõ ràng, tình hình sản xuất và kinh doanh tôm giống cũng nhiều bất cập, khiến ngành tôm chưa thu được kết quả như mong muốn, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: Vài năm gần đây, người nuôi tôm tại Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung đối mặt dịch bệnh tràn lan; bệnh nguy hiểm trên tôm xảy ra thường xuyên, trên diện rộng, thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Ngoài yếu tố môi trường, thời tiết diễn biến thất thường thì vấn đề về chất lượng con giống cũng ngày càng mất dần kiểm soát, không chủ động được nguồn giống sạch bệnh, chất lượng con giống nhiều địa phương còn bị thả nổi, con giống không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, gây rủi ro lớn cho người nuôi. Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước, hơn 265.000 ha, 6 tháng đầu năm 2013, diện tích nuôi tôm công nghiệp có tôm chết thiệt hại hơn 750 ha. Nguồn tôm giống của tỉnh chỉ đáp ứng 50%, còn lại vẫn nhập từ địa phương khác.

Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản Bùi Đức Quý cũng khẳng định: Chất lượng con giống quyết định 50% thành công của vụ nuôi. Cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống nhưng số lượng và chất lượng tôm giống vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chất lượng con giống không được đảm bảo, người nuôi tôm không xác định được nguồn gốc, không kịp "trở tay", dịch bệnh phát sinh sẽ lây lan mạnh, làm giảm năng suất và hiệu quả nuôi tôm, tạo ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây khó khăn khi tiêu thụ.

 

Tôm giống phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng - Ảnh: Phan Thanh Cường

Nhiều ưu điểm

Với 7 chương, 28 điều, Thông tư 26 đã bao quát vấn đề liên quan sản xuất, kinh doanh tôm giống. Cụ thể như vấn đề quản lý chất lượng con giống, điều kiện sản xuất tuân thủ quy trình công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn sinh học, cơ sở sản xuất kinh doanh phải có cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp, sử dụng chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành… Với tôm post và tôm bố mẹ, phải đảm bảo đủ sức khỏe, kích cỡ, tuổi thành thục, không nhiễm bệnh. Con giống nhập về phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra chặt chẽ về dịch bệnh. Một nội dung quan trọng khác của Thông tư liên quan gia hóa tôm bố mẹ (phát triển đàn tôm bố mẹ) - Thông tư đã cho phép cá nhân, tổ chức đủ điều kiện cơ sở vật chất, áp dụng quy trình công nghệ được nghiên cứu và công nhận sẽ được tiến hành gia hóa. Trước kia, vấn đề gia hóa chỉ được Bộ NN&PTNT giao cho một số viện, trường, trung tâm làm. 

Việc ra đời Thông tư 26 được xem như liều thuốc góp phần điều trị những chứng bệnh và tháo gỡ những vướng mắc ở ngành tôm hiện nay. Những quy định về điều kiện với cơ sở tham gia kinh doanh sản xuất tôm giống, giúp mỗi đơn vị này cân nhắc kỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cung ứng con giống ra thị trường, từ việc chọn con giống đạt tiêu chuẩn, sử dụng chế phẩm sinh học. Ngoài ra, cho phép thêm một số tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được tham gia gia hóa, hé mở việc chủ động trong xây dựng đàn tôm bố mẹ. Mục đích đưa chất lượng tôm từ tiêu thụ và sản xuất sẽ được thực hiện đồng bộ.

 

Thực hiện triệt để

Những nội dung trong Thông tư được quy định rõ ràng, cụ thể, là kim chỉ nam hành động cho những người liên quan đến nuôi, sản xuất, lưu thông tôm. Tuy nhiên, để Thông tư đi vào hoạt động hiệu quả, tại hội thảo Triển khai thực hiện Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho biết: Vấn đề chất lượng tôm bố mẹ nhập ngoại, Tổng cục sẽ đi kiểm tra các nước có tôm bố mẹ xuất sang Việt Nam như Thái Lan, Singapore... Cùng đó, Tổng cục sẽ đánh giá lại hiệu quả các trung tâm giống quốc gia; kiểm tra nâng cao chất lượng phòng thí nghiệm, xét nghiệm, xây dựng phòng thí nghiệm xét nghiệm tham chiếu; tổ chức thường xuyên và trên diện rộng hoạt động sản xuất kinh doanh giống  thủy sản...

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng Thông tư 26 đã bổ sung giải pháp tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm; để thực hiện phải có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý cấp trên tới địa phương; đặc biệt, cần có chế tài xử phạt nghiêm minh những cơ sở làm ăn gian dối, không chấp hành đúng quy định, từ đó các đơn vị khác sẽ tuân thủ theo.

>> Hết tháng 5/2013, cả nước có 1.425 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 103 cơ sở sản xuất giống TTCT, sản lượng giống ước trên 23,5 tỷ con (tôm sú 15 tỷ và TTCT 8,5 tỷ), chủ yếu tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên.

Mai Anh

Thủy sản Việt Nam