Thư Phú, nắng nóng, rau an toàn vẫn xanh
- Thứ sáu - 17/07/2015 04:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Phất” lên từ rau an toàn
Người dân Thư Phú cho biết, nhờ có nghề trồng rau truyền thống nên hàng chục năm nay họ vẫn sống ổn định với nghề, bất chấp suy thoái kinh tế và ngày càng trở nên giàu có, nhất là vài năm trở lại đây, khi xã được cấp chứng chỉ đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Bà con Thư Phú chăm sóc rau.
Ông Trần Quang May, Chủ tịch HĐND xã Thư Phú, đồng thời là nông dân sản xuất giỏi, cho biết, gia đình có 0,4ha rau, cũng như bà con trong thôn, ông trồng đủ các loại rau, củ, quả như: su hào, cải bắp, cải ngồng, cải ngọt, mướp ta, mướp đắng, khoai sọ, cà pháo, dưa các loại. Rau màu trồng quanh năm nên hầu như ngày nào cũng có thu hoạch, ví như cà pháo, 2-4 ngày thu hoạch 1 lần. Có ngày cùng lúc phải thu hoạch 4-5 sản phẩm, nhiều khi phải thuê thêm người mới đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của thương lái. Chẳng thế mà nhà nào ở Thư Phú cũng có thu nhập, ít thì 500.000 đồng, nhiều lên tới 5.000.000 đồng/ngày, doanh thu cả năm 250-300 triệu đồng/hộ. Những hộ có diện tích trồng rau lớn như ông Nguyễn Văn Đãi (thôn Phú Mỹ) thu nhập bình quân 400-500 triệu đồng/năm từ 0,7ha rau; ông Trần Văn Lãm, ông Dương Văn Sùng thu 700-800 triệu đồng/năm.
Điều đáng nói là, không chỉ các hộ trồng rau mà những người kinh doanh rau cũng có thu nhập ổn định, giàu có. Ví như hộ ông Nguyễn Văn Chiều, thôn Phú Mỹ, 1 đêm đi chợ tiêu thụ tới 2-5 tấn rau, củ, quả (vận chuyển bằng xe ô tô); các hộ chở xe máy cũng tiêu thụ tới 1,5-2 tấn. Những hộ có xe ô tô, vừa chở hàng cho mình, vừa chở thuê nên có thu nhập khá cao. Vài năm trở lại đây, bên cạnh việc tiêu thụ rau của địa phương, xã còn là điểm trung chuyển rau, màu từ miền Nam đi các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Chưa hết, ngoài sản xuất, kinh doanh rau, màu cho thu nhập ổn định, một nghề “ăn theo” cũng được đánh giá cho lợi nhuận khá là nuôi lợn. Hộ ông Nguyễn Anh Tuấn (thôn Vĩnh Lộc) có 150 con lợn nái, gần 3.000 lợn thịt và lợn con, bình quân thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Trần Văn Trưởng (thôn Phú Mỹ) có gần 100 đầu nái, xấp xỉ 2.000 lợn con. Phần lớn những hộ còn lại nuôi từ 5-10 nái.
Cần những lớp dạy nghề
Được biết, kể từ khi được cấp chứng chỉ vùng rau an toàn (năm 2011) đến nay, Thư Phú luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND huyện Thường Tín, Trạm Bảo vệ thực vật huyện từ chuyên môn đến cơ sở vật chất. Bà con được trang bị thùng đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khi đầy chở đi xử lý; được hướng dẫn phun thuốc đúng quy trình, thời gian phun gần nhất là trước khi thu hái 15 ngày. Vừa có nhiều kinh nghiệm lại được tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, đây chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng rau an toàn Thư Phú.
Thư Phú có trên 150ha đất sản xuất rau màu, trong đó có gần 70ha rau an toàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Xuân Tiệc, Chủ tịch UBND xã Thư Phú, cho biết: “Nghề trồng rau của địa phương có từ xa xưa, chất đất thích hợp với rau màu, người dân quê tôi biết cách cải tạo đất, chăm sóc và trồng các loại rau màu khó tính nhưng có thu nhập cao, như: cần tây, tỏi tây, cà chua trái vụ. Nếu như trước đây, nông dân chỉ biết trồng lúa và rau màu theo phương pháp truyền thống, bình quân thu nhập chỉ đạt 3 triệu đồng/người/năm thì giờ đây đã đạt 25 triệu đồng/người/năm, đời sống được nâng lên rõ rệt. Công cuộc xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, giao thông nông thôn đã cứng hóa 100%; giao thông nội đồng từng bước được cải thiện, thuận lợi cho việc sản xuất của người dân. Phần lớn nông dân Thư Phú xây được nhà cao tầng từ nguồn thu nông nghiệp”.
Ông Tiệc cho biết thêm, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn xã có gần 2.011 hộ dân, trong đó có khoảng 700 hộ trồng rau chuyên nghiệp, còn lại là làm kinh doanh, dịch vụ, thương mại…
Từ góc nhìn của Thư Phú, thiết nghĩ, người dân làm nông nghiệp trên cả nước nếu biết cách phát huy và tìm ra thế mạnh của mình, cộng với sự năng động, sáng tạo, chắc chắn không chỉ sống ổn với nghề mà còn làm giàu từ đất.
Dương An Như
Theo: kinhtenongthon.com.vn