Thủ đô “đột phá” bằng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu
- Thứ ba - 27/06/2017 20:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kinh nghiệm từ các huyện dẫn đầu
Là huyện cán đích NTM đầu tiên của Hà Nội, sau 2 năm Đan Phượng vẫn đang phát huy vị trí dẫn đầu khi các tiêu chí tiếp tục được nâng cao. Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Chủ tịch UBND huyện cho biết, không dừng lại ở đầu tư cơ sở hạ tầng, giai đoạn tới việc xây dựng NTM ở Đan Phượng sẽ hướng đến đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhằm tạo thu nhập cao hơn cho người dân. “Đặc biệt, huyện sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu trên địa bàn đang hình thành 5 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện cũng đang nhân rộng phong trào Đường có hoa, nhà có số” – ông Hoàng tiết lộ.
Nghề trồng hoa mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện nông thôn mới Đan Phượng. Ảnh: Hải Đăng
Thành phố chỉ đạo các xã đạt chuẩn NTM tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch để phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập bền vững cho người dân và phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp…”. Ông Lê Thiết Cương |
Cũng theo ông Hoàng, từ chủ trương "Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát, sỏi; nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất mở rộng những đoạn đường cong, ngõ cụt", năm 2014, toàn huyện đã xây dựng được 22km đường trục thôn; 19km rãnh thoát nước; 136,7km đường ngõ xóm; 80,6km đường trục chính nội đồng với tổng kinh phí 317,4 tỷ đồng.
“Trong đó, nhân dân đóng góp 413.722 ngày công và hiến hơn 2.522m2 đất thổ cư, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp; 31 doanh nghiệp ủng hộ nhân công, máy móc, giá trị hạch toán hơn 25,5 tỷ đồng. Đến năm 2015, Đan Phượng là huyện hoàn thành xây dựng NTM đầu tiên ở Thủ đô” – ông Hoàng nhấn mạnh.
Nếu Đan Phượng về đích đầu tiên nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia thì ở huyện Đông Anh, nâng cao thu nhập cho người dân được coi là giải pháp cốt lõi. Ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện này cho biết, ngay sau khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã ưu tiên phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa giá trị cao.
“Cụ thể, đối với gần 2.000ha sản xuất tập trung, quy hoạch để sản xuất nông nghiệp ổn định, huyện đã chỉ đạo dồn điền đổi thửa, hình thành vùng sản xuất lớn. Đến nay, 1.283ha đã chuyển đổi sang trồng rau an toàn, chăn nuôi, trồng cây ăn quả… Năm 2016, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 43 triệu đồng/người/năm. Với những thay đổi tích cực này, cuối năm 2016, Đông Anh được công nhận đạt chuẩn huyện NTM” – ông Châm khẳng định.
Tại Thanh Trì, đời sống kinh tế, xã hội của huyện không cao, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn. Nhưng bằng sự đoàn kết, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, huyện Thanh Trì từng bước "cởi nút thắt" trong xây dựng NTM.
Một trong những việc mà Thanh Trì đã thành công rực rỡ là điều tiết kinh phí trong xây dựng NTM. Ông Vũ Văn Nhàn - Chủ tịch UBND huyện cho biết, tập thể Thường vụ Huyện ủy đã bàn và đi đến thống nhất, điều tiết ngân sách của huyện xuống xã, từ xã giàu sang xã nghèo. "Khi có ngân sách rồi, huyện chỉ đạo làm công trình theo hình thức cuốn chiếu, làm đâu được đấy, không dàn trải, chỉ khi cân đối được nguồn vốn mới khởi công công trình, quyết toán kinh phí theo tiến độ thi công. Nhờ đó, dù kinh tế không phải dồi dào, song huyện không có nợ xây dựng cơ bản" - ông Nhàn nói.
Hướng đến mô hình NTM kiểu mẫu
Được biết, hiện nay TP.Hà Nội đã bố trí kinh phí và chỉ đạo sở, ban, ngành xây dựng đề cương để triển khai xây dựng quy hoạch 1 xã NTM kiểu mẫu đại diện cho xã ven đô gắn với quy hoạch công nghiệp, đô thị là xã Đông Hội (huyện Đông Anh) và 1 xã đại diện cho các xã thuần nông là xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ). Hai xã này sẽ được triển khai làm điểm để rút kinh nghiệm, triển khai trên địa bàn toàn thành phố trong những năm tiếp theo.
Theo ông Lê Thiết Cương - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (đã có) và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn cả về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn thành phố; quy định tốc độ tăng trưởng tối thiểu cần đạt đối với một số tiêu chí khi xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM bền vững.
Theo Hải Đăng/ Dân Việt