‘Thủ đô gió ngàn’ coi trọng sản xuất để phát triển nông thôn

(Chinhphu.vn) - Mặc dù là tỉnh có truyền thống phát triển công nghiệp nhưng Thái Nguyên luôn quan tâm tới phát triển nông thôn với nhiều chỉ số cao hơn trung bình của cả nước và là một trong 2 địa phương dẫn đầu khu vực miền núi phía bắc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 4/10, tại thành phố Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đã tới dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2020.

Cùng tham dự còn có Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương,...

10 năm vươn lên từ xuất phát điểm thấp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chủ trương của Ban Chỉ đạo là tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới từ cơ sở đến cấp Trung ương và trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương, trong đó có Thái Nguyên, đã triển khai tốt công tác này.

Theo Phó Thủ tướng, quá trình tổng kết bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần giúp Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện chính sách, nhất là các chính sách về huy động vốn đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế hợp tác, ứng dụng khoa học - công nghệ,… ngay trong nhiệm kỳ này để cả nước tiếp tục triển khai các chính sách bổ sung mới ngay khi bước vào giai đoạn 2021- 2025.

Với Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến gió ngàn, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá việc xây dựng nông thôn mới còn có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã cưu mang cách mạng trong những ngày trường kỳ kháng chiến.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2015, địa phương đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho các xã nhưng bước sang giai đoạn 2016 - 2020, Thái Nguyên đã tập trung phát triển các vấn đề cốt lõi của nông thôn mới là phát triển sản xuất và đời sống người dân. Theo đó, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông sản (chè, rau, củ, quả,…), ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Phó Thủ tướng trao Huân chương Lao động của Chủ tịch nước cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên giai đoạn 2010- 2020. Ảnh: VGP/Thành Chung

Bước vào xây dựng nông thôn mới, Thái Nguyên có nền tảng thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước khi bình quân đạt 4,85 tiêu chí/xã, có đến gần 45% số xã đạt dưới 5 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 10,94 triệu đồng (cả nước 12 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước (20,57% - cả nước 17,4%); 82% số xã của tỉnh (114/139 xã) thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn,…

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 88/139 xã, chiếm 60,43%, cao hơn tỷ lệ 51,14% bình quân chung của cả nước. Bình quân, cả tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung cả nước, có 2 đơn vị cấp huyện là thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến, cuối năm nay Thái Nguyên sẽ có 101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72% tổng số xã.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt trên 5,01%/năm; chuyển dịch sản xuất theo hướng quy hoạch và hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với các cây trồng chủ lực của tỉnh: Vùng Chè đặc sản Tân Cương - thành phố Thái Nguyên, Trại Cài - huyện Đồng Hỷ, La Bằng - huyện Đại Từ; vùng cây ăn quả Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân - thị xã Phổ Yên; vùng lúa đặc sản Nếp Thầu Dầu Phú Bình, nếp Vải Phú Lương, gạo Bao Thai Định Hóa;...; giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích đạt trên 96,2 triệu đồng (2018).

Sau hơn một năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Thái Nguyên hiện có 172 sản phẩm đặc sản địa phương, mang đặc trưng vùng miền, có lợi thế so sánh, có tính độc đáo, có thể trở thành sản phẩm OCOP. Năm 2019 đã đánh giá và cấp Giấy chứng nhận 25 sản phẩm đạt 3-4 sao; một số huyện đã bước đầu quan tâm chỉ đạo, hình thành các mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái.

 

Ngoài chè thì rau củ quả là những mặt hàng quan trọng trong chuỗi nông sản của Thái Nguyên. Ảnh: VGP/Thành Chung

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 6,39% (giảm 14,18% so với năm 2010); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm đạt trên 38,63 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân khu vực nông thôn của cả nước và tăng gấp 3,5 lần so năm 2010 (10,94 triệu đồng/người/năm); cao hơn 38% so với bình quân khu vực 14 tỉnh miền núi phía bắc và cao hơn bình quân của cả nước.

Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên, trên 90% người dân ở các xã được thăm dò đều hài lòng với nông thôn mới của địa phương.

Phát triển chuỗi sản xuất gắn với chế biến nông sản

Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định các kết quả của tỉnh đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Tuy nhiên, Thái Nguyên cũng còn có một số tồn tại nhất định trong xây dựng nông thôn mới, khi nông thôn phát triển chưa đồng đều, trình độ phát triển giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch, một số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh có số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, liên kết chuỗi chưa nhiều, chưa có sự lan tỏa lớn, sản xuất chưa gắn với chế biến; lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao...

 

Phó Thủ tướng tới thăm khu di tích lịch sử ghi dấu 60 thanh niên xung phong Bắc Thái hy sinh trong đêm Noel 1972 khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa viện trợ cho miền Nam tại ga Lưu Xá, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cũng như các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể. Đây là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị và bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Phó Thủ tướng đề nghị Thái Nguyên chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường. Nhanh chóng phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, thế mạnh của địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, không những phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới.

Thái Nguyên ưu tiên quan tâm bố trí nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ATK, căn cứ cách mạng.

Thành Chung/Chinhphu.vn