Thu hút doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ: Đừng xã hội hóa trên giấy!

Thu hút doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ: Đừng xã hội hóa trên giấy!
Áp dụng khoa học công nghệ được coi là giải pháp then chốt để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản. Nhưng hiện nay, công tác nghiên cứu chủ yếu phụ thuộc vào các đơn vị nghiên cứu công lập, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia. Một hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút DN tham gia vào lĩnh vực này đang là một nhu cầu bức thiết.

Trăm cái khó

Tổng công ty CP Giống cây trồng Thái Bình (Thaibinhseed) là một trong số ít DN phát triển được hệ thống nghiên cứu độc lập. Năm 2002, Thaibinhseed đã thành lập Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, năm 2007 thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới với quy mô 52ha. Đây là trung tâm nghiên cứu trực thuộc DN đầu tiên trong khối DN Thái Bình được thành lập. Ngân sách dành cho nghiên cứu mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Trong 13 năm qua, Thaibinhseed đã chủ trì, tham gia thực hiện hơn 20 đề tài, dự án KHCN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và DN, đã tổ chức nghiên cứu lai tạo hàng trăm cặp lai mới, thu thập và bảo tồn hàng ngàn vật liệu quý, khảo nghiệm hàng ngàn giống cây trồng mới. Đã có 10 giống cây trồng của công ty được công nhận giống quốc gia.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Thaibinhseed, kiểm tra ruộng khảo nghiệm giống lúa Thái Xuyên 111.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Thaibinhseed, đơn vị phát triển được như ngày hôm nay là nhờ ứng dụng khoa học công nghệ. “Bài học rút ra sau 13 năm qua là phải đầu tư mạnh cho nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh quan hệ quốc tế. Vấn đề sở hữu trí tuệ cũng cần được quan tâm. Nếu không có Luật Sở hữu trí tuệ, công ty không tồn tại và lớn mạnh như hôm nay, đồng thời nó còn thúc đẩy nhu cầu nghiên cứu”, ông Báo nói.

Cho đến bây giờ Thaibinhseed vẫn là DN đầu tiên của Thái Bình được công nhận là DN khoa học công nghệ và là 1 trong 18 DN công nghệ cao của cả nước. Nhờ chứng nhận này, công ty được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, số tiền tương đương vài chục tỷ đồng này công ty lại đầu tư cho nghiên cứu. Mới đây, Cục Thuế Thái Bình cũng thông báo miễn thuế đất cho công ty nếu sử dụng vào mục đích nghiên cứu.

Đạt được nhiều kết quả như vậy nhưng không có nghĩa con đường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của Thaibinhseed thẳng băng băng. Hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, rườm rà đôi khi gây khó cho DN trong việc xin cơ chế hỗ trợ. Ông Báo đưa ra một câu chuyện vừa đau lòng vừa buồn cười đó là, đội ngũ cán bộ của công ty rà soát 2 luật, 14 nghị định, 5 thông tư mà không biết sẽ được hỗ trợ như thế nào. Tập quán canh tác, tiêu thụ đặc biệt là ở miền Bắc cản trở rất lớn đến quá trình hợp tác giữa DN và nông dân. “Khi DN cần 5 tấn nhưng bà con chỉ bán 3 tấn, ngược lại lúc cần 3 tấn lại muốn bán nhiều hơn, trong khi năng lực chế biến, bảo quản của công ty có hạn”, ông Báo nêu ví dụ.

Ngoài ra, theo ông Báo, từ việc nghiên cứu đến việc triển khai, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế còn nhiều khó khăn. Vấn đề bản quyền, hàng giả hàng nhái ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN. Trên thực tế, có những sản phẩm DN mất nhiều năm nghiên cứu nhưng vừa đưa ra khảo nghiệm một thời gian thì đã có một sản phẩm tương tự như vậy nhưng dưới một cái tên khác được tung ra thị trường.

Là một doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất nông nghiệp, Công ty CP Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) đang lúng túng trong việc đăng ký sản phẩm. Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, đây là công nghệ được mua từ Nhật Bản trị giá 600.000 USD, chế phấm Nano Chitosan (làm từ vỏ tôm) của công ty có tác dụng chống bệnh thối rễ cho nghệ, địa lan, sâu bệnh hại trên rau quả, góp phần tăng năng suất cây trồng nhưng trong thời gian qua, sản phẩm của công ty bị “đá như quả bóng” vì không biết xếp nó vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón vì trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa đề cập đến chất liệu mới này.

Trong khi đó, ông Cao Văn Hằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ Tiến Nông nêu một thực tế, những đề tài nào nghiên cứu theo chương trình của nhà nước thì nhận được ưu đãi nhưng nếu doanh nghiệp tự mày mò, nghiên cứu và để được công nhận, được hỗ trợ thì phải chờ trong thời gian dài.

Phát huy tính sáng tạo của DN

Từng có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực giống nhuyễn thể, ông Nguyễn Văn Cửu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thủy – Nam Định) cho rằng, các đề tài nghiên cứu khoa học của Việt Nam phần lớn chưa sâu, khó chuyển giao vào thực tế. Đơn cử như từ năm 2003, công ty của ông được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I chuyển giao kỹ thuật nhân giống các loài nhuyễn thể nhưng khó triển khai ra sản xuất đại trà vì công suất chỉ đạt 3,5 triệu con. Áp dụng công nghệ này, từ năm 2003 – 2008, doanh nghiệp của ông chỉ có ra đời 40 triệu con giống, đáp ứng nhu cầu của 20 hộ nông dân, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Sau khi tìm hiểu, ông Cửu quyết định nhập công nghệ của Trung Quốc theo cơ chế, bên đối tác liên kết chuyển giao công nghệ hưởng 50% sản phẩm. Trong quá trình liên kết, đội ngũ kỹ sư của doanh nghiệp đã học hỏi được quy trình, từ đó tự mở trại giống riêng và chuyển giao cho những nông dân khác. Điều đáng mừng là quy trình công nghệ do doanh nghiệp phát triển cho năng suất cao hơn. Đến nay, trên địa bàn huyện Giao Thủy đã có 61 trại sản xuất giống của tư nhân, cung cấp cho thị trường 18 – 20 tỷ con giống nhuyễn thể, đáp ứng 85% nhu cầu giống trong nước, chỉ còn 15% phụ thuộc nhập khẩu. Từ năm 2014, các cơ sở còn bán ngược lại cho Trung Quốc 2 tỷ con giống, dự kiến năm 2015 đạt 4 – 5 tỷ con. Được biết, doanh thu của Cửu Dung đạt bình quân 100 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 42 lao động và hàng trăm lao động thời vụ.

Từ sự thành công của Cửu Dung có thể thấy rằng, nếu DN không chủ động áp dụng nghiên cứu, chỉ chờ đợi Nhà nước hỗ trợ thì khó có thể thành công. Nhưng cái DN cần là cơ chế, chính sách hỗ trợ minh bạch, công bằng và đến được tận tay DN.

Ông Báo cho rằng, việc xã hội hóa nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ khai thác được nguồn lực của xã hội và các đề tài nghiên cứu sẽ hiệu quả hơn. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đủ mạnh và tạo điều kiện cho các DN nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách để thực hiện liên kết giữa các cơ quan khoa học công nghệ của nhà nước với các DN để khai thác lợi thế của các bên về nhân lực, vốn, công nghệ, thiết bị; các sản phẩm khoa học công nghệ được nghiên cứu từ ngân sách nhà nước không nên bán bản quyền cho một DN mà để cho các DN cùng khai thác sẽ nhanh chóng được chuyển giao sản xuất; không công nhận những giống cây trồng có dạng hình tương tự hơn, bởi làm như vậy sẽ tạo môi trường cho làm hàng nhái, hàng giả.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Thuận, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển ngô Việt Nam kiến nghị, cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với các ngành sản xuất trong nước; ưu đãi về thuê đất đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ để xây dựng hạ tầng, mở rộng sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các DN khoa học công nghệ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cho nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, DN đóng vai trò then chốt trong ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vì vậy, thời gian tới cần có những chính sách mạnh mẽ hơn trong quá trình hội nhập, có cơ chế đặc thù đối với các DN đầu tư vào khoa học công nghệ. Các quỹ khoa học công nghệ quốc gia cần coi DN là chủ thể chứ không phải là các đơn vị nghiên cứu công lập như hiện nay để phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của doanh nghiệp.

Phương Nguyên
Theo: kinhtenongthon.com.vn