Thu nhập cao nhờ cách làm khác người

Thu nhập cao nhờ cách làm khác người
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng na trái vụ của gia đình ông Vũ Đình Phái ở thôn Gọng Vó, xã Gia Hòa (Gia Viễn - Ninh Bình).

Với tư duy “mình phải trồng khác người” mới có lãi nên với  hơn 2ha, ông chuyên trồng na trái vụ, nhờ đó mỗi năm gia đình có thu trên 300 triệu đồng.

ông-phai.jpg
Ông Vũ Đình Phái: “Vườn na đang sum suê tươi tốt mình lại cắt trụi đi chỉ để lại mỗi thân chính cao tầm đầu người...”.

Mạnh dạn trồng na trái vụ

Xuất thân từ nông dân nên quanh năm ông Phái chỉ biết đến ruộng, vườn, ao cá. Năm 1992, Nhà nước có chính sách dồn điền đổi thửa, gia đình ông mạnh dạn bắt tay vào trồng na. Mỗi năm chỉ thu hoạch 1 vụ nên so về giá trị công trên đầu người thì chỉ đủ ăn và chi trả công chăm sóc.

Nhận thấy Gia Hòa địa hình cao, ráo nước, chất đất giàu dinh dưỡng nên na trồng ở đây có màu sắc vỏ sáng bóng, ăn ngọt, thơm và không hề có vị chua. Chất lượng tốt, song giá trị mà cây na mang lại chưa cao, do 1 năm chỉ cho một vụ mà lúc đó thì có nhiều hộ cùng thu hoạch, dẫn đến giá không cao. Vì vậy, để khác biệt và đem lại kinh tế cho gia đình, ông Phái quyết định trồng na trái vụ làm hướng đi mới.

Những thành công ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có, đó là thành quả từ những chuyến đi xa lúc xe đạp, lúc xe máy của ông Phái lặn lội lên Hòa Bình học hỏi kinh nghiêm, cách làm hay... và cả tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Đón chúng tôi vào thăm vườn na trái vụ, ông Phái cho biết: Vườn na đang sum suê tươi tốt mình lại cắt trụi đi chỉ để lại mỗi thân chính cao tầm đầu người, thế là ai cũng phản đối bảo mình hâm, nhưng bây giờ thấy na thu hoạch trái vụ, quả thơm ngon thì mọi thứ cũng tạm ổn hơn.

“Cành có quả na thường mọc trên cành mẹ (cành của năm trước). Nhụy đực và nhụy cái trên cùng một chùm hoa. Nhụy cái thường chín sớm so với nhụy đực nên thời gian để tiếp nhận phấn ngắn, nếu không có côn trùng hoặc thụ phấn bổ sung thì quả đậu kém. Do vậy, phải xử lý cắt cành để tán na thấp, vừa tầm với, thuận tiện cho việc thụ phấn bằng tay. Ngoài ra, để ép na ra quả gối vụ, ngay từ lứa đầu tiên của năm, lúc quả mới bằng cái chén, tôi phải cắt tỉa cành không có quả, bỏ cành quả còi cọc, cong vẹo. Na bị cắt cành khiến dinh dưỡng bị ứ lại, dồn về thân sẽ cho chồi lộc, đơm hoa ngay trên thân cây, cho lứa quả thứ 2 ngay sau lứa 1”, ông Phái chia sẻ.

Hiện nay, với hơn 2ha/1.200 gốc na, ông Phái thu 2 lứa quả/năm, lứa 1 vào tháng 6, lứa thứ 2 thu vào trung tuần  tháng 9, tháng 10. Sản lượng trái vụ ít hơn chính vụ nhưng giá bán cao gấp 1,5-2 lần, khoảng 40-60 nghìn đồng/kg. Gia đình ông thu về gần 400 triệu đồng/năm

Xây dựng dự án “trồng na trái vụ”

Về kinh nghiệm trồng na,  ông Phái cho biết, khó nhất là việc đánh giá sức khỏe cây, nếu tham lấy quá nhiều quả thì cây sẽ kiệt quệ và chết, vì vậy, khi điều chỉnh cho na ra quả trái vụ phải kiên nhẫn và làm từ từ. Muốn na chín sớm hay chín muộn đều do kỹ thuật cắt cành, có thể hãm được quả chín đồng loạt, từ đó tăng giá trị của na trái vụ

Ông Phạm Hồng Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Hòa, nhận xét: Ông Phái là một trong những nông dân tiên phong trong việc trồng na trái vụ. Hiện nay, nhiều hộ  tại địa phương cũng học theo ông để trồng na tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất với cấp trên  mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu và xây dựng dự án “trồng na trái vụ”, tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân để nhân rộng mô hình.

Theo Lê Bích/kinhtenongthon.vn