Thu nhập nông dân cực thấp, tụt hậu không còn là nguy cơ
- Thứ bảy - 08/08/2015 23:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố kết quả khảo sát “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn VN”.
Theo đó, đói nghèo vẫn là vấn đề ở nông thôn VN, dù bộ mặt nông thôn đã thay đổi, nhiều hộ thậm chí còn bị... nghèo hơn. GDP bình quân đầu người ở nông thôn Việt Nam chỉ hơn Campuchia.
Điều kiện sống nhìn chung đã được cải thiện nhưng giá trị gia tăng trong nông nghiệp trên mỗi lao động ở VN vẫn giậm chân tại chỗ suốt một thập kỷ qua, không tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế.
Đời sống nông dân bao giờ mới khá?
Tỉ lệ người dân sống ở nông thôn VN chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Tuy nhiên, theo nhiều bạn đọc, nhóm đối tượng này vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
“40kg chanh giá 6.000 đồng, không bằng giá một ổ bánh mì tại thành phố; 2kg khoai lang bằng ly trà đá, nông dân sống sao với mùa vụ?”– bạn đọc Minh Trang bức xúc.
Chị Hoàng Kim (Đắk Lắk) nói: “Người nông dân VN bao năm qua vẫn mãi vật lộn với bài toán: nuôi con gì, trồng cây nào để thoát được cảnh nghèo. Người nông dân mất mùa một vụ là gần như trở thành hộ cận nghèo”.
Theo ông Thuận Nam (Hậu Giang) đề nghị nhà nước nên hỗ trợ người dân tạo thương hiệu cho nông sản, khắc phục tình trạng được mùa mất giá.
Những chiếc siêu xe trị giá hàng chục tỉ đồng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng những người buôn thúng, bán bưng còn nhiều hơn - Ảnh: Thuận Thắng |
Tụt hậu đang hiện hữu
Trước thực tế này, phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả nhận định tụt hậu không còn là nguy cơ nữa mà nó đang hiện hữu.
Theo ông Long, hiện nay, nhà nước đã nhận ra những khó khăn của nông nghiệp và bắt đầu khuyến khích các thành phần kinh tế tạo ra năng suất lao động nhưng chưa đạt hiệu quả. Thiếu sót lớn nhất là các chính sách, đề án chưa được thực thi, kiểm tra đánh giá, vẫn còn tình trạng “nói không đi đôi với làm”.
Thị trường đầu ra là vấn đề cực kỳ quan trọng và nan giải trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để làm. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.
Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết: “GDP thấp do năng suất, hiệu quả và trình độ lao động đều thấp. Bức tranh kinh tế khu vực nông thôn đang rất ảm đạm, chưa đạt mục tiêu đặt ra, chưa xứng với tiềm năng vì vậy người nông dân rất khổ”.
“Tụt hậu không còn nguy cơ mà nó đang hiện hữu. Đáng báo động!”, ông Long nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng: “Tỉ lệ người đang làm việc trong nông nghiệp rất đông nhưng các chính sách của nhà nước chưa đến được với họ hoặc chưa phù hợp tình hình thực tế. Tỉ lệ lao động có kĩ năng nhưng thất nghiệp vẫn còn cao là vấn đề trục trặc lớn của nền kinh tế”.
40kg chanh không bằng một ổ bánh mì - Ảnh: Thành Nhơn |
Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân bấp bênh
Ông Lưu Đức Khải - trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho biết: Năng suất lao động VN thấp hơn so với các nước do đất đai manh mún, lao động thô sơ, cơ giới hóa thấp… Giá trị sản xuất nông nghiệp thấp tạo ra thu nhập thấp cho người lao động.
“Dân số nông thôn VN chiếm 2/3 tổng dân số, lao động trong nông nghiệp chiếm 46-47% nhưng giá trị GDP trong nông nghiệp chỉ dao động khoảng 20%. Số liệu này chứng tỏ năng suất lao động nông nghiệp rất thấp. Nếu so sánh năng suất lao động VN với các nước trong khu vực thì càng thấp hơn”, ông Khải phân tích.
Hai nguyên nhân chính được ông Khải chỉ ra là quy mô sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình nông dân VN còn quá nhỏ như quy mô đất đai, trang trại, vật nuôi,… Mặt khác, mức độ cơ giới hóa còn kém, nhất là ở các khâu cần giải phóng sức lao động con người. Giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp, chủ yếu là sản phẩm thô.
Sự tin cậy lẫn nhau trong sản xuất đang có vấn đề, sự chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa hộ nông dân và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị vẫn chưa được hình thành. Người dân không thể tự mình ra thị trường mà phải liên kết vào các chuỗi giá trị mà tác nhân đầu tàu là doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa được thiết lập.
Thực tế ở VN, không những quy mô sản xuất nhỏ mà trình độ học vấn, chuyên môn kĩ thuật, kĩ năng, kỷ luật của người lao động còn chưa cao.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Trong xu thế hội nhập, khi so sánh với các nước ta thấy rằng rào cản thủ tục hành chính, môi trường đầu tư hay phí, lệ phí là những nguy cơ ảnh hưởng đến đầu tư nông nghiệp.
Đó là nguyên nhân làm một bộ phận lao động trẻ, khỏe và có trình độ di chuyển từ nông thôn ra thành thị, không chịu đầu tư vào lao động sản xuất tại quê hương. Điều này càng làm bối cảnh nông thôn đã trì trệ thêm phần ảm đạm.
Không hài lòng về cuộc sống Theo ông Lưu Đức Khải, vấn đề niềm tin, sự hài lòng của người dân ở khu vực nông thôn đã có nhiều thay đổi, giảm hơn so với nhiều năm trước. Khi người dân không hài lòng về cuộc sống thì họ sẽ không yên tâm để ổn định sản xuất. Trước đó, kết quả khảo sát “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường VN” năm 2014 do Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI) và Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy, có đến 81% người trả lời không hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế. |