Thủ phủ 'cây tỷ đô', số hộ thu hàng trăm triệu đồng/năm đếm không xuể
- Thứ ba - 12/06/2018 20:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ cây hoang dã, thanh long đã trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp cải thiện bộ mặt nông thôn Bình Thuận. Chưa có cây trồng nào có sức sống mãnh liệt, thích nghi với vùng đất đầy nắng và gió, mang lại kinh tế cao như cây thanh long.
Đó là đánh giá từ chính quyền địa phương và nông dân trồng thanh lonh Bình Thuận. Tất cả những gì họ có hôm này từ nhà cửa khang trang, vật dụng gia đình, xe cộ, cho đến nuôi con ăn học và tích góp số vốn liếng là nhờ thanh long mà ra...
Xã 35% hộ giàu, 50% hộ khá
Đó là xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc - nơi đầu tiên ở tỉnh Bình Thuận khởi nghiệp từ cây thanh long, những năm 1987 – 1988. Lúc đầu chỉ một số nông dân ở thôn Đại Thiện 1 và Đại Thiện 2 trồng lấy từ nguồn giống sẵn có tại địa phương.
Giá thanh long từ đầu năm đến nay ở mức ổn định từ 15-20 ngàn đ/kg, nông dân lãi 30% |
Thấy hiệu quả, nông dân bắt đầu nhân rộng. Đến năm 1994 - 1995, huyện có chủ trương chuyển đổi những chân ruộng không chủ động nước tưới, từ đó diện tích thanh long trên địa bàn không ngừng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp cho biết: Nếu năm 2001 - 2002, toàn xã chỉ 400ha thanh long, thì năm 2008 tăng lên 800ha. Và, từ năm 2014 đến nay diện tích thanh long vẫn giữ ở mức 1.916ha trên tổng diện tích toàn xã là 3.700ha; với 2.600 hộ trồng thanh long trên tất cả các thôn (chiếm 95% tổng số hộ).
“Hầu hết diện tích thanh long nông dân chuyển đổi trên đất rau màu và đất lúa 1 đến 2 vụ kém hiệu quả, không chủ động nước tưới. Sau khi áp dụng các biện pháp KHKT trong sản xuất, chong đèn thanh long ra trái nghịch vụ, thì hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Cụ thể, một hecta thanh long sản lượng thu hoạch đạt từ 30 - 35 tấn, lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/năm, trong khi đó, lợi nhuận một hecta lúa chỉ từ 15 - 20 triệu/năm, bằng 1/10 so với thanh long”, ông Cường chia sẻ.
Nhìn lại sau 30 năm chuyển đổi cây trồng, ông Cường đánh giá nhờ chuyên canh thanh long mà bà con địa phương thu nhập ổn định. Tỷ lệ hộ giàu toàn xã chiếm đến 35%, còn hộ khá giả là 50%.
“Số hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng trở lên từ nguồn thu thanh long hoặc trồng thanh long kết hợp các nguồn thu khác liên quan đến cây trồng này (chẳng hạn như trồng thanh long lấy cỏ nuôi bò) chiếm khoảng 10%, tương đương 300 hộ. Còn về thu nhập hàng trăm triệu/năm thì xã không đếm xuể. Ngay gia đình tôi có 700 trụ thanh long, được cho diện ít nhất nhưng cũng kiếm 200 triệu/năm rồi, sau khi trừ chi phí”, ông Cường nói.
Cho nông dân nhiều thứ
Nhiều ngôi nhà mái Thái, giá trị tiền tỷ mọc lên nhờ thanh long |
Từ đầu năm đến nay giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được thương lái thu mua ổn định, dao động từ 15.000 - 20.000 đ/kg và thấp nhất từ 12.000 – 13.000 đ/kg. Với giá trên, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn lãi 30%. Nông dân cho rằng, cho dù giá thanh long có lúc lên xuống thất thường, nhưng so sánh với lúa vẫn hiệu quả hơn nhiều. Nông dân Bình Thuận xem thanh long là cây trồng chủ lực. |
Đưa chúng tôi tham quan một vòng xung quanh xã đâu đâu cũng thấy bạt ngàn thanh long. Cán bộ nông nghiệp xã Hàm Hiệp khoe: Hầu hết các con đường liên thôn, xóm đều được bê tông, cứng hóa. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, giá trị tiền tỷ…
Ông Lê Công Danh, một nông dân trồng thanh long ở thôn Đại Thiện 1 bộc bạch: “Tất cả những gì nông dân có từ nhà cửa, mua sắm vật dụng, xe cộ, nuôi con ăn học cho đến tích góp số vốn đều từ thanh long mà ra”.
Như gia đình ông Danh, trước trồng lúa, rau màu thu nhập chẳng đủ trang trải cuộc sống. Từ năm 1990 gia đình chuyển đổi trồng thanh long kinh tế ngày càng trở nên khấm khá. Ông có tiền đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn, người theo ngành quản trị kinh doanh, người ngành luật với việc làm ổn định.
Vợ chồng ông gây dựng được vườn thanh long lên đến 3ha (3.000 trụ). Với diện tích này, sản lượng mỗi năm thu hoạch đạt khoảng 90 tấn trái, bán với giá trung bình từ 12.000 - 15.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi trên 1 tỷ đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp, ngoài mang lại hiệu kinh tế cho người dân, cây thanh long còn giải quyết hàng ngàn lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận thông qua việc đi cắt, vuốt tai thanh long làm tại các DN thu mua, cũng như chăm sóc vườn thanh long của nông dân.
“Trong những năm gần đây, việc huy động trẻ vào mẫu giáo và lớp 1 hàng năm của toàn xã luôn đạt 100%. Tỷ lệ học sinh cấp 2 bỏ học giảm dần, đến nay chỉ còn hơn 1%. Con em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, tiếp tục học lên cấp 3 và học nghề theo sở thích tăng lên theo hàng năm. Cụ thể, trong năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp và sau đó học lớp 10 và học nghề chiếm hơn 94%”, ông Cường chia sẻ.
Ông Danh cho biết, nhờ trồng thanh long mà cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá |
+ Ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận: Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước với diện tích lên đến 28.000ha (khoảng 30.000 hộ trồng), chủ yếu tập trung 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Để phát triển thanh long bền vững, trước mắt tỉnh không mở rộng diện tích mà duy trì diện tích đã quy hoạch, cho đến 2020 là 30.000ha. Đồng thời tăng cường quản lý về chất lượng ATTP, truy xuất nguồn gốc, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, đa dạng thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại để từ đó DN có đầu ra và liên kết nông dân và HTX tiêu thụ thanh long một cách ổn định. + Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chủ tịch xã Hàm Cường (Hàm Thuận Nam): Trước đây nông dân ở địa phương chủ yếu làm rẫy, đốt than, thu nhập bấp bênh. Từ năm 2000, người dân địa phương bắt đầu trồng thanh long nên ngày càng khá lên. Nhiều hộ đã làm giàu nhờ cây trồng này. Hiện toàn xã có 15% số hộ giàu. Hàng chục hộ dân đã sắm xe ô tô (chưa kể các DN và các cơ sở thu mua thanh long). Đặc biệt, trước 2010, toàn xã có 125 hộ nghèo, thì hiện nay chỉ 18 hộ nghèo… Từ hiệu quả cây thanh long kéo theo thúc đẩy phát triển các dịch vụ, đời sống người dân đổi thay, mật độ mua sắm cũng tăng lên và con em vào đại học ngày càng nhiều... |