Thủ tướng: Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn
- Thứ tư - 05/10/2016 07:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng vào sáng 5-10 - Ảnh: Bảo Trân
Sáng nay 5-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, QH khoá XIV dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 tới đây.
Cử tri Hoàng Hữu Thủ ở xã Hoà Bình bày tỏ phấn khởi trước sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ… Đặc biệt là các chính sách, quan tâm đến doanh nghiệp (DN), mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính. “Cử tri đề nghị QH, Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho DN, người dân đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn nữa và hạ tầng giao thông”- ông Thủ nói.
Đồng tình, cử tri Nguyễn Uy Liêm (xã Đồng Minh) kiến nghị: “QH, Chính phủ sớm nghiên cứu, điều chỉnh lại chính sách ruộng đất, cụ thể là chia lâu dài cho nhân dân. Việc giao ruộng đất 20 năm trước nay đã có biến động nhiều, ruộng đất quá manh mún. Do không có quỹ đất sản xuất lớn nên không giữ chân thanh niên ở lại nông thôn”.
Cử tri Nguyễn Đức Phổ (xã Tân Liên) chia sẻ tình cảnh ruộng đất để hoang hoá ở một số nơi, nông sản được mùa mất giá, bị DN, người thu mua ép giá, chưa tạo được chuỗi tiêu thu sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Đặc biệt, đất sản xuất nông nghiệp manh mún, chỉ 3,5 sào/đầu người, rất khó cho sản xuất lớn dẫn đến thu nhập nông dân thấp. Trong khi đó, người dân địa phương, kể cả người lớn tuổi, làm thuê cho DN có thu nhập tối thiểu 4 triệu đồng/tháng, cao hơn là làm nông. Ông Phổ kiến nghị nhà nước nên phân bổ lại đất nông nghiệp cho nông dân, dành 60-70% diện tích quỹ đất giao lại cho nông dân, số còn lại cho DN thuê, mua để đầu tư.
“Hạn điền quy định như hiện nay có nhiều bất cập. Nhà nước nên làm trọng tài để người dân cho DN thuê, mua đất để đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm… QH, Chính phủ xem xét điều chỉnh Luật Đất đai để đi vào cuôc sống và tạo động lực phát triển”- ông Phổ kiến nghị.
Theo ông Phổ, quy định hiện hành chỉ quy định hỗ trợ DN thuê, mua đất từ nhà nước, còn thuê, mua đất từ nông dân thì không được hỗ trợ. Điều đó dẫn đến không thu hút được DN vào hợp tác, đầu tư với bà con nông dân vào sản xuất nông nghiệp tạo ra chuỗi sản xuất lớn.
Giải đáp những băn khoăn của cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn như ngập mặn ĐBSCL làm mất 1 triệu tấn thóc, khô hạn miền Trung, miền Bắc có 3 cơn bão, các tỉnh miền núi phía Bắc thì mưa lũ. Đặc biệt, sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế) do Formosa gây nên đã gây thiệt hại lớn từ hải sản đến du lịch dịch vụ, đến an ninh trật tự…
Trước khó khăn như vậy, với sự quyết tâm của Đảng, nhà nước, QH, Chính phủ và nỗ lực, cố gắng của toàn dân, DN đã vượt qua khó khăn để đạt được kết quả toàn diện, đáng mừng. Trước hết là kinh tế vĩ mỗ, dự trữ ngoại hối vẫn tăng trưởng, đời sống nhân dân được quan tâm đảm bảo… “Mất 1 triệu tấn thóc nhưng vẫn duy trì xuất khẩu tôm và nhiều nông sản, sản phẩm khác để có tăng trưởng. GDP đạt gần 6% và giữ được lạm phát. Niềm tin của DN vào thị trường, chính sách được nâng lên và biểu hiện qua số DN mới tăng lên, nhất là đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục… Kết quả đã có 11 chỉ tiêu QH giao đạt, còn 2 chỉ tiêu gần đạt sẽ cố gắng trong quý IV”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, hành động quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi của công dân, phá bỏ mọi rào cản cho DN, kinh tế phát triển.
Về các kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng, Thủ tướng nhìn nhận phải chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, dành nhiều diện tích cho nông nghiệp công nghệ cao từ chăn nuôi đến trồng rau xanh chất lượng cao… Đồng thời, ngiên cứu lại cây trồng tạo hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt về hạn điền còn giới hạn bó buộc sản xuất, Thủ tướng đề nghị Thành uỷ, UBND TP Hải Phòng phải khẩn trương bàn sớm về nâng hạn điền, tích tụ rộng đất để sản xuất lớn nhằm thu hút đầu tư trong nông nghiệp, tạo ra nông sản chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng phương thức cách làm nào cần tính toán hợp lý, phải giám sát chặt để tránh bị lợi dụng.
Đáng chú ý, Thủ tướng gợi ý việc đưa DN về nông thôn, về nông nghiệp; xây dựng các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong mọi lĩnh vực trên địa bàn, như Chủ tịch xã phải biết rõ từng lò mổ trển địa bàn có đảm bảo vệ sinh hay sản xuất có vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Về nông thôn mới, Thủ tướng khẳng định là phải nâng được thu nhập, đời sống người nông dân chứ không phải có thêm chợ rộng…
“Một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động thì phải từ chính cơ sở. Phải gần dân, sát dân, đồng hành cùng nhân dân và DN, tạo sự yên tâm cho nhân dân và DN làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội”- Thủ tướng quả quyết.
Cùng ngày 5-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Hải Phòng, thuộc xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo.
Dự án có số vốn đầu tư 200 tỉ đồng, tổng diện tích 200 ha, trong đó giai đoạn 1 là 46 ha với 14 loại sản phẩm rau, củ quả. Dự án triển khai từ tháng 12-2015, sử dụng công nghệ nhà màng, nhà kính, tưới nhỏ giọt và tưới phun tự động của Israel.
VinEco Hải Phòng hiện là một trong 12 nông trường của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (một thành viên của Vingroup) đang triển khai trong cả nước.
Sau khi tham quan, trao đổi với người lao động làm việc tại dự án, Thủ tướng hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đây là một hướng ra quan trọng của nông nghiệp Việt Nam, giúp nâng cao năng suất lao động. Nông sản chất lượng cao, sạch cũng là nhu cầu lớn của người dân hiện nay.
Thủ tướng mong muốn việc triển khai dự án phải hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, phải hỗ trợ người dân, đặc biệt là tạo việc làm cho người dân nhường đất cho dự án, để sau giao đất, người dân vẫn có việc làm và thu nhập.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần điều tra nghiên cứu xem có sản phẩm đặc trưng của vùng để sản xuất, đưa ra thị trường, tiến tới xuất khẩu. Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư gắn sản xuất với tiêu thụ, sản phẩm bảo đảm chất lượng, có sự kiểm tra chặt chẽ, đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
"Mô hình kết hợp giữa nhà doanh nghiệp với nhà nông là cách làm đúng đắn" - Thủ tướng khẳng định.