Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 7 giải pháp nâng cao năng suất lao động
- Thứ tư - 19/11/2014 08:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Báo cáo công bố ngày 19/8/2014 của ILO và ADB về năng suất lao động của ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2013 đã có bước thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Năm 2007 năng suất lao động của các nước ASEAN gấp 2,12 lần so với Việt Nam (9.173 USD/4.322 USD tính theo sức mua tương đương - PPP), đến năm 2013 khoảng cách này đã thu hẹp còn 1,98 lần (10.812 USD/5.440 USD). Trong đó, so với Singapore giảm từ 21,3 lần xuống còn 18; so với Thái Lan từ 3 lần xuống còn 2,7; so với Philippines từ 2 lần xuống còn 1,8.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII chiều 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, báo cáo nêu trên cho thấy năng suất lao động của Việt Nam tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp trong ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để nâng cao năng suất lao động, phải thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hài hòa giữa các ngành, vùng, khuyến khích mạnh các ngành kinh tế có công nghệ, giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cả cấp thiết trước mắt cũng như cơ bản lâu dài. Trong đó tập trung vào 7 giải pháp.
Thứ nhất, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế chính sách khuyến khích ứng dụng mạnh khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và phát triển mạnh công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tăng nhanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp. Phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, hiện đại hóa công nghệ, đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa trong các doanh nghiệp. Giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ.
Thứ ba, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông.
Thứ tư, phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo. Chú trọng chất lượng đào tạo đại học, nhất là đào tạo quản trị theo các chương trình quốc tế. Đẩy nhanh đào tạo nghề chất lượng cao. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo cơ chế thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác với cơ sở đào tạo nghề. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn nhân lực và kỷ luật lao động.
Thứ năm, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ. Thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao và sản phẩm quốc gia. Thực hiện hiệu quả việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Có chính sách thuế, tín dụng ưu đãi để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ cao và nghiên cứu phát triển. Thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Thứ sáu, thực hiện nhất quán cơ chế thị trường trong phân bổ, sử dụng nguồn lực, nhất là vốn, lao động, tài nguyên, đất đai, khoáng sản, rừng... Đẩy nhanh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
Thứ bảy, chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định, cam kết thương mại đã có và tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý… từ bên ngoài, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển mạnh kinh tế tư nhân - coi đây là động lực, là giải pháp chủ yếu - để khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.
PV
Nguồn baodientu.chinhphu.vn