Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long theo hướng sản xuất hàng hóa lớn

Chiều 11-7, tại TP Long Xuyên (An Giang), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư, các hiệp hội lúa gạo, thủy sản đã có buổi làm việc với ba tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) gồm: An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản xuất khẩu và bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ hai mặt hàng nêu trên cũng như tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: BẢO TRỊ

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Ðức Phát cho biết: Sáu tháng đầu năm 2013, sản lượng lúa gạo đạt hơn 7,7 triệu ha, năng suất ước đạt 56,5 tạ/ha và sản lượng ước đạt khoảng 43,7 triệu tấn. Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tháng 6-2013, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo đã xuất 3,485 triệu tấn với giá bình quân 431,45 USD/tấn. Mặt hàng thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng sáu tháng đầu năm 2013, toàn vùng thả nuôi được 4.341 ha, thu hoạch đạt 2.116 ha với sản lượng hơn 545,7 nghìn tấn. Toàn vùng có hơn 70 doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu, hiện nhiều DN đang sản xuất cầm chừng do thiếu vốn, lượng tồn kho lớn. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm tháng đầu năm 2013 đạt 670 triệu USD (giảm 6,7% so cùng kỳ)...

Bộ NN và PTNT đề xuất trước mắt thực hiện tốt chương trình mua tạm trữ một triệu tấn gạo; tăng tín dụng cho nông dân trồng lúa để tiếp tục đầu tư sản xuất. Các địa phương và các khu vực không bị ngập lũ chuyển một phần diện tích sang trồng cây khác hiệu quả hơn. Ðẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích các DN tham gia bao tiêu cho nông dân làm cánh đồng lớn. Về lâu dài, các địa phương rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ, từng vùng đất, phù hợp với thị trường, điều kiện canh tác. Chuyển mạnh theo hướng đa dạng hóa cây trồng, phát triển cây màu, rau, đậu, cây ăn quả có thị trường, hiệu quả hơn. Ðối với cá tra, tôm nước lợ, lãnh đạo Bộ NN và PTNT nhấn mạnh các giải pháp tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật; tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển thị trường truyền thống, các thị trường lớn và phát triển mở rộng các thị trường mới; ưu tiên đầu tư hạ tầng thủy lợi; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan trắc cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản...

Lãnh đạo các địa phương cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường lớn và phát triển các thị trường mới; mở rộng ưu đãi về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung gắn với xây dựng cơ sở dịch vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Lợi thế lớn nhất vùng ÐBSCL là sản xuất nông nghiệp, trong đó lương thực và thủy sản rất quan trọng, cụ thể hơn là cây lúa và cá tra. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển cả hai mặt hàng nêu trên đang chững lại. Lợi nhuận, thu nhập người nông dân giảm sút. Ðiều đó đặt ra yêu cầu bức thiết ÐBSCL phải tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp quyết liệt, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trước hết là quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Không thể sản xuất, canh tác nhỏ lẻ mà phải theo hướng sản xuất có liên kết, theo mô hình hợp tác kiểu mới.

Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện ngay việc rà soát lại tạm trữ lúa gạo, trong đó Bộ NN và PTNT phối hợp Bộ Công thương làm tốt việc này. Việc mua tạm trữ không có nghĩa là bao tiêu mà có ý nghĩa hỗ trợ thị trường, không để giá rớt xuống quá thấp. Tiếp đó cần rà soát, cơ cấu lại nợ, tín dụng cho người nông dân trồng lúa, nuôi cá nhằm hỗ trợ cho bà con. Về lâu dài, Chính phủ đồng ý với đề xuất của các tỉnh là DN xuất khẩu gạo phải có vùng sản xuất, tức phải ký được hợp đồng xuất khẩu mới được cho xuất khẩu. Chính phủ sẽ ban hành các chính sách về khuyến khích, phát triển cánh đồng mẫu lớn vì đây là mô hình phù hợp sản xuất kiểu mới.

Ðể hỗ trợ tín dụng cho sản xuất lúa, Thủ tướng chỉ đạo, Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam (Agribank) phải đóng vai trò chủ lực, trong đó quan tâm vấn đề cho vay theo chu kỳ sản xuất; xem xét lại việc cho vay tín dụng mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sửa đổi, không áp đặt phải mua máy sản xuất trong nước mà có cả máy nguồn gốc nước ngoài vẫn được hỗ trợ. Qua đó giúp DN ngành cơ khí trong nước cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ðối với cá tra, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sản phẩm lợi thế nên yêu cầu tiếp tục giữ vững và phát triển. Không thể để tình trạng sản xuất manh mún mà phải gắn kết lại từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, trong đó gắn kết bằng chính sách và lợi ích. Thống nhất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có thể giảm diện tích sản xuất lúa hè thu, có thể không trồng lúa mà chuyển sang trồng các cây khác như ngô, đậu nành... nhưng phải xem xét các điều kiện về diện tích, thổ nhưỡng, trong đó phải bảo đảm khi chuyển đổi mà các cây trồng khác không hiệu quả vẫn có thể quay lại canh tác lúa được.

* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng ở Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

 

PV
theo nhandan