Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Liên minh Hợp tác xã có sứ mệnh rất quan trọng trong quá trình hội nhập

Chiều 21/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể; đại diện các bộ, ngành và Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nhưng hệ thống hợp tác xã vẫn giữ vững và phát triển là rất đáng ghi nhận. Việc tổ chức lại hay giải tán một số hợp tác xã không hoạt động hiệu quả là rất bình thường. Cho rằng mục tiêu cuối cùng vẫn là chuỗi giá trị phải hoạt động hiệu quả, Thủ tướng khẳng định, hợp tác xã có sứ mệnh rất quan trọng trong quá trình hội nhập; đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ngày càng xuất hiện nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ như trước đây không thể cạnh tranh được với nền kinh tế thị trường, cần phải có sự hợp tác để tạo ra sự liên kết mang tính chuyên nghiệp nhằm hướng tới phát triển bền vững đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Muốn làm tốt được điều này, cần phải có hành động, cách làm cụ thể, đầu tiên là củng cố hệ thống từ hợp tác xã các cấp, trong đó sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan trọng nhằm cải thiện bộ máy, tổ chức tốt vấn đề quan hệ sản xuất. 

Thủ tướng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có giải pháp phát triển như: Nhận thức của một bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị về kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn hạn chế, mặc cảm với tồn tại yếu kém của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, lòng tin đối với hợp tác xã kiểu mới chưa cao. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã đã được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của hợp tác xã; phân bổ theo cơ chế "xin cho"; kinh phí của Trung ương và địa phương bố trí để hỗ trợ còn ít, phân tán ở nhiều kênh, nhiều chương trình. Quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn nhiều bất cập, hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp. 

Thủ tướng cho rằng, tiềm năng và lợi thế của các địa phương, vùng kinh tế rất lớn nhưng kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng, xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đang xuống cấp, chưa đáp ứng sản xuất  quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao. 

Để hệ thống kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, đội ngũ cán bộ tham gia vào hoạt động hợp tác xã phải xác định phát triển Liên minh hợp tác xã là nhu cầu khách quan; đồng thời đổi mới cách nghĩ, cánh làm, phối hợp các bộ, ngành để duy trì và phát triển. Thủ tướng lưu ý các địa phương cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, thể chế; đồng thời tổ chức lại và phát triển chuỗi giá trị sản xuất từ khâu sản xuất đến thu mua và ra tới thị trường. Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành những văn bản mới, để vận dụng tốt, các địa phương cần đưa ra hội đồng nhân dân để thảo luận, giúp cho việc đầu tư vào hợp tác xã nông nghiệp được thuận lợi và hiệu quả. 

"Các địa phương cần tính toán đến vấn đề chuyển giao công nghệ và giống mới, vấn đề chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kiên trì xây dựng hệ thống hợp tác xã hiệu quả theo kiểu mới, xây dựng chuỗi giá trị; phát triển hợp tác xã nhiều loại hình nhưng tập trung phát triển hợp tác xã nông nghiệp...", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể cho rằng, hiện nay, hoạt động của Liên minh hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do trình độ nhân lực còn hạn chế, công cụ sản xuất lạc hậu, việc tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quá trình phát triển của hệ thống này liên quan từ hộ gia đình, đến tổ hợp tác, doanh nghiệp rồi mới đến Liên minh hợp tác xã. Vì vậy, các chủ thể tham gia vào hệ thống cần phải phát huy năng lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của Liên minh hợp tác xã. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các địa phương cần tiếp cận mô hình hoạt động kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao để giải quyết vấn đề cốt lõi đang tồn tại ở Liên minh hợp tác xã hiện nay. "Chúng ta cần nhìn vào thực tế hiện nay, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả rất thấp, chỉ chiếm 30% trong số hợp tác xã hiện có. Muốn nâng cao đời sống cho người dân phải vào hợp tác xã và phải có sự đồng hành của hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. 

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng Phạm Văn Tường cho biết trước khi Luật Hợp tác xã ra đời, Lâm Đồng chỉ có 28 Hợp tác xã hoạt động. Đến nay, tỉnh đã có 128 hợp tác xã và 2.900 tổ hợp tác với 86.000 xã viên, hoạt động ở hầu hết các huyện, thành phố, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Theo đánh giá mới đây, số lao động thường xuyên trong hợp tác xã khoảng 11.000 người, thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, các hợp tác xã nông nghiệp đã đóng góp rất lớn trong chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh. 

Để đạt kết quả này, tỉnh đã xác định rõ phát triển nông nghiệp công nghệ cao là do doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân thực hiện. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, Nhà nước hỗ trợ nếu các doanh nghiệp gặp khó về vốn, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch, định hướng sản xuất, giống cây trồng... 

Phân tích về hoạt động hệ thống Liên minh Hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tỉnh đang tập trung nhiều luôn lực để nâng cao hiệu quả của mô hình hợp tác xã. Khó khăn nhất trong việc này là vấn đề nguồn lực vì theo khảo sát, có tới 77% các thành viên của hợp tác xã chưa học hết lớp 12. Đó cũng là lý do mà thời gian đầu thành lập, hợp tác xã hoạt động rất hiệu quả và đoàn kết, nhưng khi phát triển đến một mức cao hơn, đòi hỏi nhân lực phải có kiến thức lại không đáp ứng được. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên vẫn là phải đầu tư nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, việc mở rộng các lớp tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ tham gia quản lý hợp tác xã là điều cần thiết. Bên cạnh đó, vốn cũng là một yếu tố quyết định đến sự thành công của hệ thống hợp tác xã. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy phát triển hợp tác xã là kinh tế hộ, vì vậy Nhà nước cần quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn giúp kinh tế hộ phát triển. 

Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, cả nước hiện có 20.767 hợp tác xã số, với 6,5 triệu thành viên, tăng 200.000 so với cuối năm 2017. Trong đó, các hợp tác xã thành lập mới và tái cơ cấu hợp tác xã đang hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị tăng mạnh ở các địa phương, đến tháng 6/2018 có khoảng 1.200 hợp tác xã, tăng 21% so cuối năm 2017. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả có xu hướng tăng. 

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ chủ động xây dựng và triển khai 8 Đề án phục vụ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã: Đổi mới công tác tuyên truyền về Hợp tác xã, xây dựng 500 mô hình Hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020 ở 63 tỉnh, thành phố bằng nguồn lực của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và huy động khác để tạo sức lan tỏa.
 
Quang Vũ - Đỗ Bình (TTXVN)
Nguồn: baotintuc.vn