Thủ tướng: Số liệu thống kê phải là con số biết nói

Nhấn mạnh tinh thần phát triển nhanh, bền vững, chắc chắn, có cơ sở khoa học, “một con hổ kinh tế” chứ đừng là con hổ giấy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, những con số thống kê phải biết nói để làm kịch bản và chiến lược cho phát triển cho từng địa phương, cho cả quốc gia là rất quan trọng.

Hôm nay, 22/1, dự hội nghị triển khai công tác 2018 của ngành thống kê, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến công tác thống kê, trân trọng sản phẩm mà ngành thống kê đã làm ra.

Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản mà chúng ta biết hệ thống số liệu chằng chịt, nó bổ sung lẫn nhau chứ không phải anh muốn tăng là được

Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản mà chúng ta biết hệ thống số liệu chằng chịt, nó bổ sung lẫn nhau chứ không phải anh muốn tăng là được

Ngành thống kê có vị trí quan trọng vì là nơi tập hợp kết quả đầu ra của cả nền kinh tế một cách khách quan, trung thực. Qua số liệu, chúng ta có thể điều hành, chỉ đạo. Qua số liệu, để chỉ đạo những việc nổi cộm trong từng thời kỳ có cơ sở khoa học. Con số biết nói chính là chỗ đó, Thủ tướng nhìn nhận, “Anh không thể nói định tính được mà phải định lượng”.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả thầm lặng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống thống kê. Nhìn lại năm 2017, lần đầu tiên chúng ta có kịch bản tăng trưởng hàng quý. Từ đó, quy trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, trưởng các đơn vị, các địa phương về đóng góp cho tăng trưởng, bởi vì, mặc dù chúng ta không chạy theo số lượng, nhưng số lượng của tăng trưởng ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu chất lượng khác như việc làm, thu ngân sách, giải quyết vấn đề lao động cũng như nhiều vấn đề khác.

Thủ tướng cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm quý của ngành thống kê. “Các đồng chí trực tiếp làm việc, đôn đốc, theo dõi các bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành sản xuất và kịp thời kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo cụ thể với từng ngành, từng sản phẩm để bảo đảm tăng trưởng”. 

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, thực hiện đúng Luật Thống kê. “Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản mà chúng ta biết hệ thống số liệu chằng chịt, nó bổ sung lẫn nhau chứ không phải anh muốn tăng là được”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu về tính trung thực trong thống kê. 

Chính phủ không chạy theo thành tích và yêu cầu thống kê làm đúng quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về thống kê. “Không có ông Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch nào yêu cầu đưa số liệu lên mà không có cơ sở khoa học”, Thủ tướng khẳng định và đánh giá cao Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thẳng thắn, ngay thẳng, không sợ sệt bất cứ điều gì trong thể hiện số liệu thống kê.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt bất cập, hạn chế của công tác thống kê bởi “tổng kết không phải chỉ nói thành tích mà chủ yếu nói tồn tại để sửa”. Thu thập thông tin thống kê còn nhiều vấn đề cần chú ý hơn. Phương pháp, chế độ thống kê còn bỏ sót. Còn bỏ sót nhiều trong tính giá trị GDP, nhất là kinh tế không chính thức, cần khắc phục trong năm 2018.

Nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành Nghị định 01 với phương châm hành động “10 chữ” (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả), Thủ tướng đặt vấn đề: Ngành thống kê cần làm gì để thực hiện phương châm “10 chữ” này và nêu rõ: Thủ tướng, Chính phủ cần một kịch bản tăng trưởng rõ nét để điều hành như kinh nghiệm năm 2017,  “không thể chạy theo tăng trưởng một chiều nóng vội được”.

Ngành thống kê phải có báo cáo, đánh giá sâu về tình hình thế giới, đừng để Thủ tướng quyết định sai chính sách vĩ mô khi tình hình thế giới thay đổi. Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có thể đề xuất gặp Thủ tướng khi cần thiết, thông tin về những vấn đề quốc tế và trong nước đặt ra để kịp thời chỉ đạo, điều hành, không để lâm vào bị động, bất ngờ. 

Nhấn mạnh tinh thần phát triển nhanh, bền vững, chắc chắn, có cơ sở khoa học, “một con hổ kinh tế” chứ đừng là con hổ giấy, Thủ tướng nêu rõ, những con số biết nói để làm kịch bản và chiến lược cho phát triển cho từng địa phương, cho cả quốc gia là rất quan trọng. 

"Do đó, từ số liệu, từ thực tiễn, nhất là từ nhận thức và hành động, chúng ta phải tìm một giá trị gia tăng mới lớn hơn, đóng góp vào sự tăng trưởng của Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhật Linh
http://thoibaokinhdoanh.vn/